Tham dự chương trình có các ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; ông Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội, các nhân chứng lịch sử và các tầng lớp nhân dân.
![]() |
Các đại biểu tham dự chương trình. |
Ban tổ chức đã lựa chọn Hoàng thành Thăng Long để tổ chức chương trình, bởi đây là nơi có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô lịch sử ngàn năm văn hiến, nơi đã diễn ra lễ chào cờ đầu tiên của Thủ đô Giải phóng vào 15h ngày 10/10/1954.
Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến 36 phố phường. Trong nghìn năm lịch sử của Thủ đô, người người về đây dựng nên phố. Phố góp phần làm nên hồn cốt, làm nên “chất Hà Nội” trong mỗi con người từng sinh ra hay có thời gian gắn bó với mảnh đất thủ đô. Có lẽ không có thành phố nào trên thế giới lại có nhiều bài hát ngợi ca như Hà Nội của chúng ta.
"Hà Nội - Bản hùng ca phố" với âm nhạc và những câu chuyện gợi nhớ đến những ngày tháng lịch sử hào hùng của Thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hòa bình, sáng tạo và phát huy nét văn hóa của Hà Nội.
"Hà Nội - Bản hùng ca phố" gồm 3 chương: "Trận địa trong thành phố", "9 năm rừng lòng vẫn Thủ đô", "Bài ca Hà Nội", đưa khán giả trở lại với những câu chuyện lịch sử về Hà Nội, xuyên suốt chặng đường lịch sử 70 năm để đến Ngày Giải phóng, những thế hệ con, cháu của người Hà Nội tiếp tục dựng xây và gìn giữ Thủ đô bằng tình yêu được cha ông truyền lại, bằng sự sáng tạo và sức sống mãnh liệt của của mình.
![]() |
Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc biểu diễn tại chương trình. |
Bên cạnh các phóng sự được thực hiện kỳ công hoặc trích đoạn phim tài liệu quý giá, âm nhạc là mạch chính nối cảm xúc và xuyên suốt trong chương trình, tạo cảm giác lắng đọng nhưng không kém phần lãng mạn.
Điểm nhấn của chương trình phải kể đến công nghệ trình chiếu mới lạ, đầy sáng tạo mang tên 3D Mapping kết hợp Hologram mà ekip ấp ủ. Lấy phông nền chính là hình ảnh Hoàng Thành Thăng Long, các dấu mốc lịch sử quan trọng đã được tái hiện siêu thực từ thính giác đến thị giác, tạo những hiệu ứng hình ảnh đặc biệt, bối cảnh đa dạng từ phố phường Hà Nội những năm tháng chiến đấu ác liệt, đến chiến khu rừng núi bạt ngàn, hay hình ảnh thủ đô cờ hoa rực rỡ ngày ca khúc khải hoàn.
Xen kẽ trong chương trình là các tiết mục nghệ thuật đặc sắc kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng, công nghệ trình chiếu 3D… như "Người Hà Nội", "Hà Nội niềm tin và hy vọng", "Hướng về Hà Nội", "Áo mùa đông", "Em bé Hà Nội"…
Trong chương trình, khán giả gặp gỡ nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An - một trong những chiến sĩ tự vệ trẻ tuổi nhất Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Ông Nguyễn Văn An đã tham gia bảo vệ nhà máy để khi giải phóng Thủ đô, Hà Nội vẫn sáng đèn. Chương trình còn có phần giao lưu với NSƯT Phùng Đệ, nhà quay phim chiến trường kỳ cựu; bà Phạm Thị Viễn - nữ tự vệ 22 tuổi của Nhà máy Cơ khí Mai Động, kiên cường bên mâm pháo bảo vệ bầu trời Hà Nội và góp phần hạ gục chiếc máy bay F111A vào đêm 22/12/1972… |