Hà Nội không phải bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để tổ chức công tác trông, giữ xe và thu phí
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: Khánh Linh

Chiều 1/7, UBND TP.Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2022.

Tại cuộc họp, trả lời báo chí về vấn đề liên quan đến hoạt động của các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè Hà Nội cũng như giải pháp thanh kiểm tra để tránh thất thoát nguồn thu từ hoạt động này, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, căn cứ các quy định của UBND TP.Hà Nội, Sở GTVT cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe trên các tuyến đường thuộc thành phố quản lý; UBND quận, huyện, thị xã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe trên các tuyến đường do UBND quận, huyện, thị xã quản lý và cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để đỗ xe trên địa bàn quản lý.

Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe cho 31 đơn vị với diện tích 31.705m2 trên 134 tuyến đường, phố.

Đơn vị tổ chức cấp phép gồm Sở GTVT Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông, giữ xe đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép; mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND TP.Hà Nội và nộp 100% số phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Tổ chức, cá nhân được cấp phép tổ chức thực hiện việc trông, giữ xe và thu giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn thành phố theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND thành phố về việc Ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn TP.Hà Nội.

Như vậy, “Theo các quy định trên, TP.Hà Nội không phải bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố để tổ chức công tác trông, giữ xe và thu phí; ngược lại ngân sách thành phố còn thu được một khoản phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông, giữ xe hàng năm” - ông Trần Hữu Bảo nhấn mạnh.

Theo ông Trần Hữu Bảo, năm 2021 Sở GTVT Hà Nội đã thu phí và nộp ngân sách thành phố trên 46 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thu phí và nộp ngân sách thành phố trên 20 tỷ đồng.

Đối với UBND quận, huyện, thị xã, đã có 12/30 quận, huyện, thị xã tổ chức cấp phép trông, giữ xe thuộc thẩm quyền với tổng diện tích cấp phép là 91.930m2, đã thu phí và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Để tăng cường thu, tránh thất thoát nguồn thu, ông Trần Hữu Bảo cho biết thêm, Sở GTVT Hà Nội đã giao cho thanh tra giao thông vận tải xây dựng kế hoạch hàng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Công an thành phố Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trông, giữ xe trên địa bàn thành phố như hành vi trông, giữ xe quá diện tích; trông, giữ xe trái phép, không phép… theo thẩm quyền để tránh thất thoát nguồn thu.

Sở Tài chính Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi thu sai giá dịch vụ trông giữ xe theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND thành phố đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép, để tránh thất thoát nguồn thu.

UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong phạm vi thẩm quyền và theo các quy định hiện hành./.