Hải quan gặp khó khi thông quan xăng dầu nhập khẩu của các đầu mối đang bị Bộ Công thương xử phạt
Ảnh minh họa: Đỗ Phòng

Trước đó, ngày 6/9/2022, Thanh tra Bộ Công thương có Thông báo số 771/TT TTB thông báo về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 5 thương nhân đầu mối.

Liên quan đến việc này, ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3691/TCHQ-GSQL đề nghị Bộ Công thương có ý kiến về việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu 1 tháng đối với 5 thương nhân này.

Tuy nhiên, đến nay Tổng cục Hải quan chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Công thương.

Trao đổi xung quanh việc xử phạt này, Tổng cục Hải quan dẫn chiếu Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cá nhân, tổ chức vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định việc tạm dừng, hoãn thi hành hình thức phạt bổ sung ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cũng tại Luật này, Điều 76 chỉ quy định hoãn thi hành quyết định phạt tiền. Điều 62 quy định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp vụ vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoản 12 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng nêu quy định "trì hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính...” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 35 (áp dụng biện pháp khẩn cấp) Luật Khiếu nại quy định: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó....”.

Đến nay Bộ Công thương chưa có văn bản sửa đổi, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc tạm đình chỉ thi hành 5 quyết định xử phạt này.

Do vậy, các quyết định xử phạt này vẫn có giá trị thực hiện đầy đủ và toàn diện về hình thức phạt tiền và hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Theo đó, trong thời gian thương nhân bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì không đủ điều kiện để nhập khẩu xăng dầu; nếu vẫn thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện”.

Để có căn cứ cho các thương nhân làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công thương xem xét và có ý kiến trả lời đồng thời cung cấp thông tin về thời điểm các thương nhân này nhận được quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Công thương để Tổng cục Hải quan làm căn cứ thông quan hàng hóa, xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).

Trong khoảng thời gian từ 31/08/2022 đến 10/10/2022, đã có 2 công ty làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu (Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp đã đăng ký 36 tờ khai tạm nhập - tái xuất và tái xuất xăng dầu tại Chi cục Hải quan Nhơn Trạch- Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu đã đăng ký 2 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực III - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh nhập khẩu theo loại hình nhập kinh doanh mặt hàng dầu).

3 công ty còn lại không phát sinh hoạt động nhập khẩu, tạm nhập- tái xuất mặt hàng xăng dầu.