Mức độ hài lòng ngày càng được cải thiện

Năm 2022 là tròn 10 năm Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2012 đến nay, có gần 20.000 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát và cung cấp rất nhiều thông tin chân thực, khách quan để thúc đẩy các bộ, ngành tiến hành cải cách thực chất hơn.

Đặc biệt, việc khảo sát đã giúp ích rất nhiều cho quá trình chuyển đổi của ngành Hải quan trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử, giám sát hàng hóa tự động, giảm trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Đơn cử kết quả khảo sát gần đây nhất với 3.657 doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp đánh giá mức độ thuận lợi của doanh nghiệp khi tuân thủ các thủ tục hành chính hải quan tương đối khác biệt. Hai thủ tục “khai hải quan (nhóm thủ tục thông quan)” và “nộp thuế (nhóm thủ tục quản lý thuế)” được nhiều doanh nghiệp đánh giá là thuận lợi hơn khi tuân thủ. Trong khi đó, “kiểm tra hồ sơ” (nhóm thủ tục thông quan), "hoàn thuế/không thu thuế (nhóm thủ tục quản lý thuế)" và "kiểm tra thực tế hàng hóa” (nhóm thủ tục thông quan) lần lượt là 3 nhóm thủ tục doanh nghiệp thường gặp khó khăn nhất. So sánh kết quả khảo sát năm 2020 với năm 2015, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ tuân thủ các thủ tục đều đã cải thiện đáng kể.

Nguồn: VCCI Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: VCCI Đồ họa: Hồng Vân

Gần 80% doanh nghiệp hài lòng với thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Các kênh thông tin Cổng thông tin điện tử của các cục hải quan tỉnh/thành phố và Cổng thông tin thương mại quốc gia cũng đạt được tỷ lệ hài lòng của doanh nghiệp trên 70%. Doanh nghiệp ít hài lòng hơn với các phương thức cung cấp thông tin truyền thống như gọi điện, gửi công văn, tập huấn/đào tạo hay cung cấp thông tin qua ấn phẩm, tờ rơi. Trong đó, 55,6% doanh nghiệp hài lòng với hình thức tiếp cận thông tin qua tờ rơi, ấn phẩm – thấp nhất trong số các phương thức tiếp cận thông tin được khảo sát. So với kết quả khảo sát năm 2018, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các phương thức tiếp cận thông tin đều cải thiện…

Từ những phản ánh thực tế, các doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị, qua đó cơ quan hải quan đã tiếp thu để khắc phục như đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng chữ ký số và nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung thay vì hệ thống phân tán trong hiện tại.

Đưa ra những khuyến nghị cải cách

Năm 2022, sau một thời gian dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến công tác khảo sát, VCCI tiếp tục phối hợp Tổng cục Hải quan và USAID khởi động lại hoạt động này. Cụ thể là tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Dự kiến triển khai khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp từ tháng 5 đến tháng 7/2022 sẽ tập trung nhận diện hiện trạng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn) và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, đồng thời tập hợp các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Theo đại diện VCCI, tiếp nối các nỗ lực trước đây, khảo sát năm 2022 dự kiến sẽ thu thập ý kiến của 3.000 doanh nghiệp, qua đó xác định rõ các khâu, bước còn bất cập trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu hiện nay của từng bộ, ngành cụ thể.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, khảo sát năm 2022 sẽ xác định rõ các khâu, bước còn bất cập trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu hiện nay của từng bộ, ngành cụ thể.

Các thông tin này cùng với kiến nghị của các doanh nghiệp sẽ được tổng hợp để đưa ra các khuyến nghị cải cách tới Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Đa số doanh nghiệp đánh giá mức độ nghiệp vụ của cán bộ hải quan ở mức tốt/khá

Một số lĩnh vực vốn khó nhận được những đánh giá tích cực của doanh nghiệp như xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, vẫn lần lượt có tỷ lệ 58% và 54% doanh nghiệp đánh giá mức độ am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ hải quan ở những khâu này ở mức tốt/khá. Các kết quả này cũng tích cực hơn so với năm 2018, trong đó có sự cải thiện đáng kể ở về đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ của công chức hải quan ở khâu Giải quyết khiếu nại và Xử lý vi phạm hành chính.