Hải quan Thanh Hóa: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách
Cán bộ Cục Hải quan Thanh Hóa thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Phong Nhân

Thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 4,68 tỷ USD

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Phó cục trưởng Cục Hải quan Thanh Hóa Lê Xuân Cương cho biết, nhờ sự chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, trong 5 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã làm thủ tục thông quan cho 346 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu (trong đó có 227 DN trong tỉnh; 119 DN ngoài tỉnh).

Đồng thời, làm thủ tục thông quan cho hơn 43.000 tờ khai điện tử đăng ký trên hệ thống VNACCS/VCIS, bằng 105% cùng kỳ năm 2022; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4,68 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,45 tỷ USD giảm 9,8%, kim ngạch nhập khẩu đạt 3,23 tỷ USD giảm 2,3%.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan Thanh Hóa, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn đơn vị quản lý giảm đáng kể, đặc biệt là các mặt hàng có thuế, khiến cho công tác thu ngân sách đối mặt với thách thức.

Cụ thể, ngoại trừ kim ngạch mặt hàng than đá nhập khẩu tăng (+328%) do sản lượng than nhập khẩu phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, các mặt hàng nhập khẩu chủ chốt đều giảm so với cùng kỳ như: dầu thô (-17%); nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (-27%); vải các loại, phụ liệu may (-4%); máy móc, thiết bị (-30%); linh kiện ô tô (-84%)...

Nguyên nhân chủ yếu khiến kim ngạch giảm so với cùng kỳ là giá dầu thô nhập khẩu bình quân giảm mạnh từ 98 USD/thùng xuống còn 80,5 USD/thùng, mặt khác số chuyến tàu dầu được thông quan trong năm 2023 ít hơn 2 chuyến khiến kim ngạch dầu thô nhập khẩu chỉ đạt bằng 85% cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị giảm 61% do chưa có các dự án đầu tư mới. Nhu cầu sắt thép trên thị trường thế giới giảm khiến giá sắt thép phế liệu nhập khẩu giảm (đơn giá bình quân năm 2022: 498 USD/tấn; năm 2023: 397 USD/tấn).

Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của đơn vị. Thống kê đến cuối tháng 5/2023, Cục Hải quan Thanh Hóa mới thu ngân sách đạt hơn 6.816 tỷ đồng, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 50,5% chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao (13.500 tỷ đồng). Thực tế này đòi hỏi đơn vị cần có giải pháp thích ứng để bồi đắp nguồn thu.

Thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn

Đề cập đến khả năng thu ngân sách trong nửa cuối năm 2023, theo Cục Hải quan Thanh Hóa, trong tháng 6/2023 tình hình thu ngân sách tiếp tục được đẩy mạnh, công tác nuôi dưỡng và khai thác nguồn thu có phần khả quan.

Thời gian qua có một số DN mới thực hiện việc vận chuyển hàng hóa qua cảng Nghi Sơn như: Công ty TNHH Miza Nghi Sơn; Công ty cổ phần Stavian Hóa chất; Công ty cổ phần Nhật Thăng VNT7, bước đầu góp phần tăng thu ngân sách. Lãnh đạo Cục Hải quan Thanh Hóa kỳ vọng, thu ngân sách từ hàng hóa xuất nhập khẩu làm thủ tục tại đơn vị trong tháng 6/2023 ước sẽ đạt 1.455 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu chủ yếu là từ hoạt động nhập khẩu dầu thô.

Thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp

Cục Hải quan Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hãng tàu giải phóng nhanh hàng hóa và phục vụ kịp thời nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Trong đó, chú trọng nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, áp dụng phương thức điện tử để rút ngắn thời gian, giảm chi phí thủ tục hành chính, tăng cường cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục thông quan hàng hóa nhằm giảm chi phí lưu kho bãi, giải phóng container để các DN quay vòng đóng hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện làm việc 24/7, đáp ứng nhanh nhất, kịp thời nhất thủ tục thông quan hàng hóa cho DN.

Cụ thể, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến nhập khẩu 3 chuyến dầu thô với số thu bình quân dự kiến đạt khoảng 385 tỷ đồng/chuyến thì số thu từ dầu thô nhập khẩu đạt khoảng 1.155 tỷ đồng. Số thu từ các nhóm hàng hóa khác (ngoài dầu thô) dự kiến khoảng 300 tỷ đồng.

Với động thái tích cực này, số thu lũy kế đến 30/6/2023 của đơn vị ước đạt hơn 8.677 tỷ đồng, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 64,3% chỉ tiêu giao thu năm 2023. Để đảm bảo thu đạt và vượt chỉ tiêu Bộ Tài chính giao năm 2023 là 13.500 tỷ đồng, đồng thời để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN, trong những tháng còn lại của năm 2023, Cục Hải quan Thanh Hóa đang quyết liệt thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu theo Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND, nhằm phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của cảng biển Nghi Sơn, kỳ vọng đưa cảng Nghi Sơn trở thành cảng biển trọng điểm của khu vực và cả nước.

Theo Nghị quyết 248/2022/NQ-HĐND, tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container với mức 300 triệu đồng/chuyến; tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến. Đồng thời, các DN vận tải hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700 nghìn đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi DN không mở tờ khai tại Cục Hải quan Thanh Hóa.

Tuy nhiên, đại diện Hải quan Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, chủ yếu chỉ có hãng tàu CMA-CGM đầu tư tuyến container vận chuyển hàng hóa qua cảng, với tần suất 1 chuyến/tuần. Trong khi các DN mong muốn được đa dạng hóa sự lựa chọn dịch vụ từ nhiều hãng tàu thì việc hạn chế hãng tàu, tần suất khiến các DN ít sự lựa chọn về mức giá cước cạnh tranh, cũng như không đáp ứng được nhu cầu xuất hàng liên tục nhiều chuyến/tuần...

Nhằm tháo gỡ những nút thắt khó khăn nêu trên cùng với các sở, ban, ngành trong tỉnh, Cục Hải quan Thanh Hóa quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu.

Phấn đấu duy trì tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở và huyện

Phát huy thành quả thứ nhất về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) Thanh Hóa năm 2022, Cục Hải quan Thanh Hóa đặt ra mục tiêu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu duy trì vị trí thứ nhất về chỉ số DDCI trong năm 2023.

Trước đó, cuối tháng 4/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố Chỉ số DDCI năm 2022 và Cục Hải quan Thanh Hóa vinh dự xếp thứ nhất trong nhóm các sở ban ngành toàn tỉnh Thanh Hóa.

Đây là năm thứ 2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thanh Hóa triển khai thực hiện đánh giá chỉ số DDCI trên cơ sở thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên hơn 5.000 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ cá thể để phát ra hơn 12.000 phiếu khảo sát. Kết quả, Cục Hải quan Thanh Hóa đạt 85,10/100 điểm, dẫn đầu trong khối các sở, ban, ngành của tỉnh, tăng 7,32 điểm so với năm 2021 (năm 2021 là 77.78/100 điểm, đứng thứ 2/25).

Thành quả nêu trên cho thấy, những nỗ lực không ngừng của đơn vị trong việc đồng hành, hỗ trợ cùng DN để nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi tối đa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời, đúng quy định của pháp luật về mặt thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho các DN. Đồng thời, thúc đẩy mối quan hệ đối tác hải quan - DN ngày càng phát triển, giải quyết kịp thời và hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng của DN, giúp DN hiểu sâu hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, xây dựng lòng tin của DN vào một môi trường kinh doanh thuận lợi.