thuan phat

Đại diện doanh nghiệp Thiên An Phát trao đổi với lãnh đạo Hải quan Thừa Thiên - Huế tại Hội nghị ký kết quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp năm 2017.

Phần lớn doanh nghiệp (DN) đều có chung nhận định,cơ quan hải quan đã có nhiều cải cách tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đặc biệt là sự thay đổi về tư duy nhận thức trong công tác phối hợp giữa hải quan và DN.

Luôn đặt mình vào vị trí của DN

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Hiển - Cục trưởng Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế cho biết, với lực lượng cán bộ công chức so với công việc chuyên môn của hải quan là còn mỏng, song từng cán bộ hải quan đều chung một quan điểm là phải nỗ lực bằng mọi giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN không chỉ qua triển khai các cơ chế chính sách, mà phải là từ thái độ, tác phong lề lối làm việc...

Theo ông Hoàng Văn Hiển, số lượng tờ khai XNK thông quan qua Hải quan Thừa Thiên - Huế hàng năm rất lớn và luôn tăng theo các năm. Ông Hiển đơn cử, tổng số tờ khai đã được cấp năm 2016 tăng 28,12% so với cùng kỳ năm 2015 (gần 24 nghìn tờ/18,674 nghìn tờ). Sở dĩ số tờ khai luôn tăng qua các năm là do Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế tiếp tục vận hành ổn định, có hiệu quả hệ thống thông quan tự động (VNACCS) tại tất cả các chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc; cùng với đó, việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu luôn thuận lợi, thông suốt nhờ sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ hải quan…

Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên, khó khăn đối với cả cơ quan hải quan và DN trong hoạt động XNK trên địa bàn chính là công tác kiểm tra chuyên ngành. Tại Thừa Thiên - Huế, chỉ thực hiện kiểm tra chuyên ngành kiểm dịch động, thực vật, còn các hàng hóa khác phải gửi kiểm tra chuyên ngành ở Đà Nẵng. Những thủ tục này cũng phần nào ảnh hưởng tới hoạt động XNK của DN do thời gian chờ đợi thông quan bị kéo dài.

Là cán bộ hải quan thường xuyên giám sát các hoạt động XNK của DN, bà Đinh Thị Thu Hà - Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Hải quan Thừa Thiên - Huế chia sẻ: Để có thể hỗ trợ DN tốt nhất, chúng tôi luôn đặt mình vào DN, những khó khăn của DN nếu vướng từ phía TTHC, chúng tôi sẽ tìm giải pháp hỗ trợ. Vướng từ cơ chế chính sách, chúng tôi sẽ đề xuất lên các cấp có thẩm quyền cùng vào cuộc tháo gỡ.

Hợp tác không chỉ từ một phía

Chủ trương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN trong hoạt động XNK đã được cơ quan hải quan quán triệt thống nhất từ người đứng đầu ngành tới từng cán bộ công chức. Với Hải quan Thừa Thiên - Huế, việc lắng nghe chia sẻ những khó khăn của DN không chỉ trong từng công việc cụ thể, mà còn ở các cuộc hội nghị đối thoại định kỳ để DN nắm rõ những văn bản chính sách mới, áp dụng vào thực tế suôn sẻ, thông suốt. Ngoài ra, Hải quan Thừa Thiên - Huế cũng đã tổ chức ký kết phối hợp với các DN có hoạt động XNK thường xuyên và có tỷ lệ số thu ngân sách lớn.

Đại diện cho Công ty Stavi Huế, bà Nguyễn Thị Hoài Trang cho biết: “Nhờ có hoạt động ký kết phối hợp giữa cơ quan hải quan và DN, công ty chúng tôi đã có nhiều thuận lợi trong việc khai báo hải quan. Cụ thể, chúng tôi thường xuyên được cập nhật văn bản mới một cách nhanh chóng nhất, vì khi văn bản mới vừa ban hành, phía cơ quan hải quan ngay lập tức gửi cho chúng tôi nghiên cứu áp dụng, triển khai. Bên cạnh đó, nếu DN có những khó khăn, vướng mắc cần hỏi, trao đổi, các cán bộ hải quan đều giải đáp nhanh chóng, thỏa đáng”.

Đại diện Công ty Thiên An Phát, ông Nguyễn Hữu Tuấn Anh, Trưởng phòng kế hoạch thị trường - chia sẻ, cá nhân ông có dịp tiếp xúc và làm việc với cán bộ Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế qua 10 năm cho thấy, sự chuyên nghiệp trong tác phong lề lối làm việc của cán bộ hải quan đã được nâng lên rõ rệt. Thủ tục hoạt động XNK được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, đặc biệt là việc mở tờ khai đầy đủ, đúng quy trình nhưng thời gian vẫn được rút ngắn rất nhiều so với trước. “Về phía DN, chúng tôi cũng nhận thức rằng, muốn quy trình thủ tục XNK được thuận lợi nhanh chóng, không chỉ có sự nỗ lực từ phía cơ quan hải quan mà phải có sự phối hợp từ phía DN. Để làm được điều này, DN chúng tôi đã chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên, đó là cử ra một nhóm thường xuyên được đào tạo về công tác làm thủ tục XNK. Do vậy, DN chúng tôi rất hiếm khi gặp khó khăn trong hoạt động XNK”, ông Tuấn Anh nói.

Về phía Công ty cổ phần dệt may Huế - DN chuyên sản xuất ngành hàng may mặc xuất khẩu lớn, hàng năm đóng góp trên 50 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, đại diện công ty là ông Nguyễn Thanh Tý, Phó Tổng Giám đốc nhận định, sự phối hợp của cơ quan hải quan với DN đến nay đã nâng lên một tầm cao mới: DN được tôn trọng và được coi là đối tác. “Công tác cải cách TTHC của cơ quan hải quan ở tất cả các lĩnh vực đều chuyển biến tốt, luôn luôn là đơn vị đi đầu...”, ông Tý nhấn mạnh.

“Có một điều bất ngờ tại Hội nghị đối thoại DN năm 2017 do Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế tổ chức ngày 15/3/2017, đại diện một số DN phản ánh vướng mắc của DN mình không chỉ được cơ quan hải quan giải đáp, mà ngay cả những DN cùng dự hội nghị cũng “chia lửa” với cơ quan hải quan giải đáp cho DN bạn. Những thắc mắc của DN là do chưa tìm hiểu kỹ văn bản chính sách, do nhân lực làm việc chưa chuyên nghiệp, chưa nắm rõ thủ tục trong hoạt động XNK… dẫn đến chậm trễ trong khai báo hải quan, kéo theo thủ tục thông quan chậm lại”.

Bà Đinh Thị Thu Hà (Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Hải quan Thừa Thiên – Huế).

H.TR