Hàng tỷ USD tăng thêm từ thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng nước Mỹ đang bỏ lỡ

Johnson & Johnson đang dự kiến mức thuế suất phải nộp tăng thêm khoảng 1,5 điểm phần trăm do kết quả của thuế suất tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Mark Kauzlarich/Bloomberg News

Doanh thu thuế tăng thêm 220 tỷ USD khi thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu có hiệu lực

Các công ty Mỹ sẽ bắt đầu trả thuế cao hơn ở nước ngoài

Các công ty Mỹ từng được hưởng mức thuế suất một con số ở một số quốc gia, nhưng từ đầu năm 2024, các công ty sẽ bắt đầu phải trả thuế cao hơn ở nước ngoài theo thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, với tỷ lệ tối thiểu là 15%. Thoả thuận này đang làm tăng các khoản tiền thuế mà các doanh nghiệp Mỹ phải nộp, nhưng không phải ở Mỹ.

Johnson & Johnson, Baxter International và Zimmer Biomet đều cảnh báo các nhà đầu tư rằng, thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu được ký kết từ năm 2021 sẽ khiến họ phải trả thuế cao hơn trong năm nay khi một loạt các quốc gia như Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh Châu Âu thực hiện theo thoả thuận.

Mặc dù các quan chức Bộ Tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các hiệp định quốc tế và Tổng thống Biden đã thúc đẩy việc thực thi hiệp định, nhưng Quốc hội vẫn không thay đổi luật thuế của Mỹ để phù hợp với hiệp định đó.

Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu được khoảng 140 khu vực pháp lý ủng hộ và được các nhà lãnh đạo ca ngợi là một bước quan trọng hướng tới việc giảm cạnh tranh thuế xuyên biên giới, đồng thời khiến các công ty phải trả nhiều tiền hơn để hỗ trợ các chính phủ.

Đảng Dân chủ ủng hộ thỏa thuận toàn cầu, điều này sẽ tăng thuế tối thiểu của Mỹ từ mức 10,5% hiện tại và áp dụng nó ở mỗi quốc gia nơi một công ty hoạt động. Làm như vậy sẽ tăng ngân sách cho nước Mỹ và bảo vệ các công ty Mỹ khỏi một số loại thuế ở nước ngoài. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa phản đối thỏa thuận toàn cầu, cho rằng các nhà đàm phán của chính quyền của Tổng thống Biden đã cho đi quá nhiều cơ sở thuế của Mỹ. Vì vậy, hiện tại, Mỹ không trực tiếp thu bất kỳ khoản tiền thuế nào từ các công ty trong và ngoài nước nhờ thỏa thuận này.

J&J đang dự báo mức thuế suất tăng thêm khoảng 1,5 điểm phần trăm. Joseph Wolk - Giám đốc tài chính của J&J, đã nói với các nhà phân tích gần đây rằng, thuế tối thiểu toàn cầu, như hiện tại, đang "giảm các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo của Mỹ và dẫn đến việc các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ phải trả nhiều tiền thuế hơn cho các chính phủ nước ngoài".

Các công ty khác chỉ ra mức thuế có thể cao hơn vào năm 2024 bao gồm Johnson Controls, Henry Schein, Teleflex, Enovis, Edwards Lifesciences và Methode Electronics.

Những cảnh báo của doanh nghiệp cho thấy những ước tính cụ thể đầu tiên về cách thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu đang ảnh hưởng như thế nào đến các công ty, và nói rộng ra là các chính phủ, trên toàn thế giới.

Mỹ không được hưởng lợi trực tiếp từ các quy tắc thuế mới

Ba mươi sáu quốc gia đã thực hiện thỏa thuận hoặc đang áp dụng các quy tắc mới và các doanh nghiệp có doanh thu toàn cầu vượt quá 750 triệu Euro - tương đương với khoảng 810 triệu USD - có thể phải trả mức thuế mới đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hàng tỷ USD tăng thêm từ thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng nước Mỹ đang bỏ lỡ

Các phần quy định của luật thuế năm 2017 bắt đầu có hiệu lực vào năm 2026, bao gồm các điều khoản tăng thuế đối với thu nhập nước ngoài của các công ty Mỹ. Ảnh: Mandel Ngan/Agence France-Presse/Getty Images

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổ chức khởi xướng dự án thuế tối thiểu toàn cầu, gần đây đã ước tính các doanh nghiệp sẽ phải trả thuế bổ sung từ 155 tỷ đến 192 tỷ USD hàng năm, tăng từ 6,5% đến 8,1% so với các khoản tiền thuế hiện tại phải nộp. Nhưng, một số nhà phân tích sau khi xem xét các dự báo của doanh nghiệp đã cho rằng, số tiền thuế tăng thêm thực tế có thể thấp hơn.

Vào năm 2017, nước Mỹ đã ban hành mức thuế tối thiểu đối với thu nhập nước ngoài của các công ty, nhưng chỉ áp dụng cho lợi nhuận toàn cầu của doanh nghiệp chứ không áp dụng cho từng quốc gia theo yêu cầu của thỏa thuận thuế quốc tế. Năm 2022, Mỹ đã áp dụng mức thuế tối thiểu thứ hai, nhưng cũng không phù hợp với thuế của các quốc gia khác. Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng chưa thực hiện thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu.

Các công ty Mỹ đang phải đối mặt với các hóa đơn thuế cao hơn mặc dù Mỹ không thay đổi các quy định của mình. Đó là bởi vì thỏa thuận này cho phép các quốc gia buộc các công ty toàn cầu hoạt động trong khu vực pháp lý của họ phải trả mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu ở mức 15%. Vì vậy, Thụy Sỹ có thể buộc các công ty Mỹ và Nhật Bản phải trả 15% thuế cho các hoạt động của họ tại Thụy Sỹ.

Trong nhiều trường hợp, các công ty Mỹ đã tận dụng tối đa các khoản tín dụng thuế nước ngoài của Mỹ, vì vậy, việc trả nhiều tiền hơn ở nước ngoài sẽ không làm giảm thuế ở Mỹ của họ. Thay vào đó, họ sẽ nộp thuế ở hai quốc gia cho cùng một thu nhập.

Trong khi đó, Mỹ không được hưởng lợi trực tiếp. Theo các quy định của thoả thuận, các quốc gia có thể yêu cầu các công ty nước sở tại phải trả mức thuế suất 15% ở mọi quốc gia nơi họ hoạt động. Vì vậy, Hàn Quốc có thể đảm bảo rằng một công ty Hàn Quốc phải trả thuế 15% ở Anh, Mỹ và Pháp. Nếu doanh nghiệp không trả đủ tiền thuế ở các quốc gia đó - ví dụ, vì các ưu đãi cho nghiên cứu của Mỹ làm giảm thuế suất ở đó – doanh nghiệp phải trả tiền thuế nhiều hơn cho Hàn Quốc, chứ không phải Mỹ.

OECD ước tính, nước Mỹ sẽ có được một số nguồn thu mới ngay cả khi không thực hiện thỏa thuận toàn cầu. Đó là bởi vì một số công ty có thể chuyển hoạt động và lợi nhuận sang Mỹ khi thuế suất trở nên giống nhau hơn trên toàn thế giới. "Tôi chưa thấy điều đó thực sự diễn ra" - Jason Yen của Ernst & Young nói.

Suky Upadhyay - Giám đốc tài chính của công ty công nghệ y tế Zimmer Biomet, cho rằng, mức thuế suất mới theo thoả thuận toàn cầu có thể tăng khoảng 1,5 điểm phần trăm. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Đây là mức tăng không lớn nhưng vẫn có tác động”.

Mặc dù mức thuế mới không khiến Zimmer Biomet thay đổi chiến lược của họ trong ngắn hạn, nhưng Upadhyay cho biết công ty có thể sẽ xem xét chuyển đầu tư trong tương lai ở châu Mỹ thay vì châu Âu vì khoảng cách tài chính giữa hai địa điểm ngày càng thu hẹp.

Theo thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu, bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia thực hiện thỏa thuận có thể tăng thuế suất của các công ty nước ngoài hoạt động trong khu vực pháp lý của họ nếu họ không đáp ứng mức tối thiểu 15%.

Bắt đầu từ năm 2025, các quốc gia sẽ xem xét các hoạt động toàn cầu của các công ty và tính thuế nhiều hơn nếu mức thuế của họ dưới 15% ở bất kỳ đâu - bao gồm cả cơ sở chính của công ty, theo Quy tắc lợi nhuận bị đánh thuế thấp, hay UTPR.

Cuối cùng, vào năm 2026, các phần bị trì hoãn của luật thuế năm 2017 của Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Các quy định này sẽ làm tăng thuế đối với thu nhập từ nước ngoài của các công ty MỸ, thu nhập ở Mỹ của các công ty nước ngoài và hàng xuất khẩu của các công ty Mỹ.

Quốc hội Mỹ đang bị phân cực và không có khả năng hành động cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024.