![]() |
Thi công đắp cát nền đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh tư liệu |
Mỗi tháng giải ngân trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng
Theo ông Trần Minh Phương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Xây dựng, năm 2025 Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao 82.073 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đến hết tháng 2/2025, khối lượng giải ngân đạt khoảng 3.188 tỷ đồng (khoảng 4%)...
Không bàn lùi các dự án trọng điểmTheo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng như các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 phải được khởi công, hoàn thành theo đúng tiến độ yêu cầu. Các chủ đầu tư, nhà thầu, các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai dự án phải tuân thủ nguyên tắc không đánh đổi tiến độ lấy chất lượng. Các ban quản lý dự án phải báo cáo thường xuyên, định kỳ để lãnh đạo bộ kịp thời xem xét hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn. |
Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giải ngân 1.755/34.971 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch năm; đây là nhóm dự án có tỷ lệ giải ngân tốt nhất bộ, song vẫn chậm so với cùng kỳ năm 2024 (giải ngân 4.300 tỷ đồng, đạt 10%). Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 mới giải ngân đạt 0,5% (7/9 dự án chưa giải ngân); đồng thời nhiều dự án được giao kế hoạch vốn rất lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình như: Quy Nhơn - Chí Thạnh (Ban Quản lý dự án 85) đạt 2%; Vân Phong - Nha Trang (Ban Quản lý dự án 7) đạt 2,8%; Hoài Nhơn - Quy Nhơn (Ban Quản lý dự án 85) đạt 3%...
Các dự án cao tốc khác, giải ngân 413/17.163 tỷ đồng, đạt 2,4%. Nhóm dự án này có tỷ lệ giải ngân thấp do 6/12 dự án được giao kế hoạch vốn lớn chưa thi công như: cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, Dầu Giây - Tân Phú, mở rộng cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Hòa Liên, Cao Bồ - Mai Sơn, tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Với các dự án ODA, hiện nay có tới 25/33 dự án chưa giải ngân, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn chưa giải ngân hoặc giải ngân rất chậm như: dự án kết nối giao thông phía Bắc chưa giải ngân, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giải ngân 0,2%, Tân Vạn - Nhơn Trạch giải ngân 1,1%...
Cũng theo ông Trần Minh Phương, để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao, trung bình mỗi tháng cần giải ngân khoảng gần 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tiến độ giải ngân 2 tháng đầu năm 2025 chậm, do vậy, Vụ Kế hoạch - Tài chính đề nghị các chủ đầu tư phải xây dựng lại kế hoạch giải ngân các tháng còn lại bảo đảm giải ngân bù cả phần bị chậm trong 2 tháng vừa qua (các tháng còn lại cần giải ngân trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng).
Vốn giải ngân lên tới hơn 100.000 tỷ đồng
Bên cạnh đó, ông Trần Minh Phương cho biết thêm, sắp tới dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ cho phép kéo dài 5.790 tỷ đồng kế hoạch vốn từ năm 2024 sang năm 2025 và giao 6.062 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, 2023; giao bổ sung thêm nguồn vốn vượt thu năm 2024 và nguồn trái phiếu chính phủ cho Bộ Xây dựng để triển khai một số dự án trọng điểm, cấp bách. Như vậy, tổng số vốn của Bộ Xây dựng được giao có thể lên tới hơn 100.000 tỷ đồng (con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay).
Để giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ rất khó khăn, thách thức, chính vì vậy, Vụ Kế hoạch - Tài chính yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án cần tiếp tục coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong năm 2025. Đồng thời, cần nghiêm túc tập trung chỉ đạo ngay từ đầu năm 2025 từ công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và giải ngân các dự án.
Người đứng đầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện giải ngân các dự án. Tỷ lệ giải ngân cuối năm sẽ là một trong các tiêu chuẩn để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, một số chủ đầu tư chưa đăng ký kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng trên hệ thống để theo dõi, đôn đốc theo yêu cầu, Vụ Kế hoạch - Tài chính đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương xây dựng kế hoạch giải ngân theo tháng của các dự án và nhập lên hệ thống, làm cơ sở các cơ quan tham mưu của bộ theo dõi kịp thời đôn đốc chỉ đạo.
Các chủ đầu tư cần xây dựng cụ thể, chi tiết kế hoạch thực hiện, giải ngân và cam kết giải ngân hết nguồn vốn được giao; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lượng theo đúng quy định; chủ động rà soát báo cáo bộ kịp thời điều chuyển linh hoạt vốn giữa các dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cao tốc, trọng điểm, kết nối vùng và các dự án phải hoàn thành trong năm 2025.
“Vụ Kế hoạch - Tài chính đề nghị Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng nghiên cứu thành lập các tổ công tác của Bộ để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cầu Đại Ngãi, đường Hồ Chí Minh”, ông Trần Minh Phương cho biết thêm...