Cải cách, hiện đại hóa hải quan: Đích cuối cùng là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Doanh nghiệp cảm nhận rõ lợi ích từ cải cách, hiện đại hóa hải quan
Hiện đại hóa hải quan thúc đẩy thuận lợi thương mại, logistics phát triển
Nâng cao hiệu quả hoạt động logistics đối với xuất nhập khẩu góp phần giảm ùn tắc hàng hóa. Ảnh: TL

Xây dựng hệ thống cửa khẩu thông minh

Hiện đại hóa hải quan thúc đẩy thuận lợi thương mại, logistics phát triển

Ngành Hải quan sẽ xây dựng Đề án mô hình về công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ. Đây là mô hình hướng tới xây dựng một Hệ thống cửa khẩu thông minh, biên giới thông minh...

Ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan

Ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, ngành Hải quan đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, tận dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ để thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện các hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Đó là đẩy mạnh triển khai và tăng số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cơ chế Một cửa quốc gia, công khai thông tin về thời gian tiếp nhận, xử lý các hồ sơ trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia kết nối với hệ thống quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành; thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh bằng phương thức điện tử.

Tiếp đến, ngành Hải quan đẩy mạnh triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN và kết nối chính thức với các đối tác thương mại ngoài ASEAN; đẩy mạnh cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục, thực hiện đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đồng thời, có cơ chế phối hợp, công nhận chứng nhận về chất lượng, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa giữa các nước có hiệp định thương mại với Việt Nam; đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại địa bàn các khu vực có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh làm thủ tục lớn.

‘‘Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ, Tổng cục Hải quan sẽ tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến thế giới để triển khai các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan, thúc đẩy nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong hoạt động logistics của doanh nghiệp.

Cụ thể như tập trung xây dựng Đề án mô hình về công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ. Đây là mô hình nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống cửa khẩu thông minh, biên giới thông minh, phục vụ công tác quản lý nhà nước của các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền’’ - ông Hải cho biết.

Kiến nghị giải pháp phát triển logistics

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, với các giải pháp gồm: Đề án Tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái, hệ thống quản trị hải quan TP. Hồ Chí Minh (HCAS) và Chương trình hợp tác đối tác hải quan - doanh nghiệp, đơn vị đã giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động logistics đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái, góp phần giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, góp phần giảm ùn tắc giao thông đường bộ xung quanh cảng Cát Lái.

Các giải pháp này cũng giúp nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với quá trình thực hiện thủ tục hải quan và giao nhận hàng hóa tại cảng Cát Lái; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giúp phát triển bền vững qua đó tạo nguồn thu nộp ngân sách ổn định trên địa bàn; nâng cao thứ bậc về chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics performance index), chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam.

Từ các giải pháp nêu trên, nhằm đóng góp nhiều nhất có thể cho phát triển logistics và tạo thuận lợi thương mại tại địa bàn, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiến nghị khẩn trương triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển logistics thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú ý đến hình thành trung tâm logistics hiện đại, đáp ứng được với tốc độ phát triển cao thương mại điện tử và đào tạo nhân sự cho ngành dịch vụ logistics hiện đang rất thiếu.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan thành phố sớm thực hiện Đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; thông qua các nghị định điều chỉnh bổ sung Nghị định 08/2015, 59/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm soát hải quan; quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải; quy định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Đề nghị sớm triển khai kế hoạch số hóa thủ tục hải quan

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Tổng cục Hải quan sớm triển khai kế hoạch số hóa thủ tục hải quan, trước mắt cần phải nâng cấp hệ thống, hoàn thiện các chương trình hiện có để đảm bảo yêu cầu quản lý tuân thủ và tạo thuận lợi thương mại. Cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics nâng cao năng lực, tuân thủ luật pháp và hợp tác chặt chẽ với cơ quan hải quan để tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan và tiết giảm chi phí.