Đối diện với không ít thách thức, khó khăn

Thời gian qua, công tác quản lý hải quan đối với loại hình gia công, nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, chế xuất tiếp tục được chú trọng, vừa đảm bảo công tác quản lý, vừa nghiên cứu triển khai quy định mới thống nhất, tạo thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp (DN). Năm 2022 Tổng cục Hải quan đã ban hành quy định về cách thức kết nối, trao đổi dữ liệu hệ thống camera giám sát của DN chế xuất với cơ quan hải quan. Đặc biệt, để triển khai đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện việc rà soát, xác định bài toán nghiệp vụ liên quan đến loại hình này và hoàn thiện xây dựng các yêu cầu quản lý, chỉ tiêu thông tin đáp ứng theo mô hình Hải quan số.

Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai, đối với công tác quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu và chế xuất, ngành Hải quan phải đối diện với không ít thách thức, khó khăn và chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Một điểm đáng bàn là hiện nay cơ sở dữ liệu về DN, hệ thống thông tin DN không tập trung đang nằm rải rác ở các chương trình, hệ thống nghiệp vụ khác nhau của ngành. Bên cạnh đó công tác thu thập thông tin DN ở một số cục hải quan địa phương chưa được chú trọng mà chỉ đang tập trung vào công tác thông quan. Do đó công tác thu thập thông tin DN còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, việc kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất của DN và xây dựng được một hệ thống thông tin DN thống nhất là một yêu cầu quan trọng trong quá trình thu thập thông tin DN. Qua đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận qua loại hình này.

Công chức Cục Hải quan Thanh Hóa kiểm tra hàng gia công xuất khẩu. Ảnh: Phong Nhân
Công chức Cục Hải quan Thanh Hóa kiểm tra hàng gia công xuất khẩu. Ảnh: Phong Nhân

Theo Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn, để theo dõi, quản lý được số lượng lớn DN này đòi hỏi cơ quan hải quan phải có phương thức và biện pháp quản lý phù hợp. Xây dựng mô hình hải quan số là nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan. Do đó, việc hoàn thiện rà soát, xác định các bài toán nghiệp vụ liên quan đến hàng hoá gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất và hoàn thiện xây dựng các yêu cầu quản lý, chỉ tiêu thông tin đáp ứng theo mô hình hải quan số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.

Thay đổi phương thức quản lý

Nêu lên giải pháp, ông Âu Anh Tuấn cho hay, xác định công tác quản lý đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất cần thiết phải đẩy mạnh hiện đại hóa theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, năm 2023, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất theo hướng thay đổi phương thức quản lý từ quản lý theo đối tượng là hàng hoá sang quản lý theo đối tượng là DN trên cơ sở xây dựng cụ thể, chi tiết dữ liệu về DN và áp dụng cơ chế kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu quản trị sản xuất của DN với cơ quan hải quan phù hợp với mô hình quản lý hải quan số; trước mắt áp dụng cho khối DN ưu tiên.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng tiếp tục triển khai công tác quản lý đối với hàng xuất nhập khẩu tại chỗ đáp ứng yêu cầu quản lý tờ khai xuất nhập khẩu và rà soát, phân loại xử lý tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ để xử lý dứt điểm tồn đọng.

Các đơn vị hải quan địa phương quản lý lượng DN gia công sản xuất xuất khẩu và DN chế xuất lớn cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể.

Số lượng doanh nghiệp mở tờ khai theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu ngày càng tăng

Chiếm hơn 10% trên tổng số doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, DN gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Số lượng DN mở tờ khai theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất trong năm 2021 là 10.109 DN. Năm 2022 số DN mở tờ khai theo loại hình này tăng gần 2% lên 10.295 DN.

Ông Vương Tuấn Nam - Trưởng phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu chuẩn hóa và kết nối được dữ liệu sẽ đem lại hiệu quả rất lớn trong việc quản lý, giám sát hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất. Nếu có công cụ đối chiếu, kết nối dữ liệu đủ lớn trong tay, cơ quan hải quan sẽ giảm được nguồn nhân lực làm việc thủ công, đồng thời nhận dạng, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận.

Ông Nguyễn Mạnh Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần (Cục Hải quan Bình Dương) đề xuất xây dựng phần mềm quản lý DN gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất dựa trên cơ sở kết nối, cung cấp thông tin giữa cơ quan hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan. Về cơ bản, tất cả các thông tin do DN cung cấp sẽ được hệ thống tiếp nhận, xử lý, phân tích, đánh giá thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 để đưa ra các thông tin cảnh báo, hỗ trợ người sử dụng ra quyết định tại các bước nghiệp vụ có liên quan.

Đại diện Cục Hải quan Bình Phước cho rằng, để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý giám sát hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất cần xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ việc Quản lý hải quan đối với loại hình này đảm bảo chức năng kiểm tra, giám sát và quản lý từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất, đến khi xuất khẩu sản phẩm.