Ông Trần Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hòa - công ty XK gỗ (Bình Định) khi trao đổi với PV TBTCVN về vấn đề nguồn nguyên liệu đối với DN XK gỗ trong thời gian tới, khi Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản (FLEGT/ VPA) vừa hoàn tất đàm phán.
PV: Là DN chuyên cung cấp sản phẩm bàn ghế ngoài trời trong gần 20 năm qua, theo ông, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ tác động như thế nào tới DN XK gỗ của Việt Nam?
Ông Trần Thiên: Đã nhiều năm kinh doanh trong ngành chế biến gỗ Việt Nam và nguồn gỗ nguyên liệu, tôi thấy rằng, hiện nay trên 90% các DN gỗ Việt Nam là sử dụng gỗ sạch cho việc sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.
Đây là lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia khác, vì chúng ta chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu rừng trồng (nguồn nguyên liệu hợp pháp – bền vững) chứ không sử dụng nguồn nguyên liệu từ rừng trồng tự nhiên.
Tuy nhiên, trên thương trường, sản phẩm gỗ của Việt Nam chưa được đánh giá cao về các đặc tính sạch và bền vững. Vì vậy, tôi cho rằng khi gỗ Việt Nam được cấp chứng nhận FLEGT (Forest law enforcement, governance and trade- tạm dịch là tăng cường thực thi luật pháp, quản trị và thương mại lâm sản) sẽ là cơ hội lớn cho các DN chế biến và XK gỗ Việt Nam. Sản phẩm gỗ Việt Nam cũng có thế có vị thế cao hơn trên thương trường và mang lại nhiều hiệu quả kinh tế hơn.
Về bản chất, nguồn nguyên liệu gỗ Việt Nam đều sạch. Việc hoàn tất đàm phán FLEGT/VPA là tin vui đối với Việt Nam. Khi gỗ Việt Nam được cấp chứng chỉ FLEGT thì các chứng từ giải trình về nguồn gốc sẽ trở nên đơn giản hóa. Ông Trần Thiên |
PV: Bên cạnh cơ hội đã nêu thì đâu là thách thức đối với DN XK gỗ, thưa ông?
Ông Trần Thiên: Khó khăn mà các DN gỗ Việt Nam gặp phải là chịu sự phiền nhiễu của các thủ tục giải trình. DN sẽ phải giải trình về nguồn gốc sản phẩm của mình một cách rõ ràng.
Hiện, các DN đang âu lo là trong giai đoạn giao thời, khi Việt Nam chưa được cấp chứng nhận FLEGT thì nhà nhập khẩu ở nước ngoài lại đòi hỏi quá nhiều chứng từ.
Đồng thời, DN cũng lo lắng về những chi phí phát sinh trong quá trình cấp chứng nhận. Đây thực sự là giai đoạn khó khăn.
PV: Theo nội dung đàm phán FLEGT/ VPA, hiện tại FLEGT sẽ được cấp theo các lô hàng, có nghĩa mỗi lô hàng phải xin thủ tục 1 lần. Ông có nghĩ đây cũng là một trong những khó khăn đối với DN ?
Ông Trần Thiên: Đúng vậy. Ban đầu, các DN đều lo ngại thủ tục giấy tờ giải trình. Vì vậy, sự mong đợi lớn nhất hiện nay của các DN gỗ`đối với Bộ NN&PTNT là thủ tục cấp chứng từ không phức tạp và trở ngại đến hoạt động kinh doanh của DN, không làm tăng chi phí quá nhiều.
Đồng thời, cần có sự tham gia theo dõi của truyền thông để hỗ trợ cho DN có thể được cấp phép với chi phí hợp lý mà DN có thể chấp nhận được.
PV: Hiệp định FLEGT/VPA là một dấu mốc mới trong việc chống lại nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ được sản xuất một cách hợp pháp. Điều này nghĩa là sản phẩm gỗ phải được sử dụng từ nguồn nguyên liệu là rừng trồng hợp pháp. Việt Nam có thể đáp ứng được mục tiêu trên không, thưa ông?
Ông Trần Thiên: Tôi cho rằng khả năng cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ Việt Nam của gỗ rừng trồng trong nước còn rất cao. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu gỗ dăm để làm giấy.
Đặc biệt, trong tương lai, nếu chúng ta làm tốt công tác hỗ trợ nông dân trồng rừng gỗ lớn thì tỷ trọng cây gỗ XK sẽ tăng lên 70%, thậm chí 100% chứ không phải là 10% như bây giờ.
Song song đó, Nhà nước đang chú trọng thúc đẩy chính sách trồng rừng. Đây là những tiền đề để tạo lợi thế cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Vì vậy, tôi nghĩ khả năng cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ Việt Nam từ trong nước sẽ rất cao và ngày càng tốt hơn...
Riêng Công ty Thanh Hòa, ngay từ đầu thành lập, chúng tôi đã định hướng kinh doanh nguyên liệu gỗ bền vững. Trước đây, công ty có 50% nguyên liệu gỗ nhập khẩu có chứng nhận FSC (là hệ thống các tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc gỗ cho các nhà khai thác), hiện nay gần 95% gỗ có chứng nhận FSC.
Công ty kinh doanh 70.000m3 gỗ/năm, trong đó 1/2 là gỗ nhập khẩu, chủ yếu từ các nước nam bán cầu là Solomon, Uragay, Panama…và 1/2 là gỗ có chứng nhận FSC từ các rừng trồng gỗ tràm của Việt Nam. Công ty hiện kinh doanh cung cấp mặt hàng nguyên liệu ở dạng bán thành phẩm của gỗ tràm.
Cách đây 1 năm, công ty nhập khẩu 20.000 m3 gỗ tràm từ Malaysia, đến nay không phải nhập nữa, vì gỗ tràm của Việt Nam đã thay thế được gỗ tràm Malaysia. Có thể nói đây là sự chuyển đổi rất nhanh về nguồn nguyên liệu gỗ; từ chỗ ban đầu trong nước chỉ cung cấp được vài trăm ngàn m3 gỗ tràm thì hiện nay gỗ tràm có thể cung cấp hàng triệu m3 cho ngành chế biến gỗ trong nhà và ngoài trời tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu đáng mừng.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Giấy chứng nhận FLEGT áp dụng cho cả 27 thành viên EU, được tất cả các thành viên công nhận. DN XK vào EU sẽ không phải thêm quy định nào khác vì FLEGT hài hòa hóa quy định của các quốc gia EU. Nếu không có FLEGT, DN sẽ bị ràng buộc bởi những quy chế khác./. |
Khánh Linh