Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
PV: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã có nhiều giải pháp linh hoạt để ứng phó, thậm chí phát triển hơn. Ông đánh giá thế nào về sự thích ứng của DN lúc này?
GS.TS. Hoàng Văn Cường |
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Có thể thấy giữa đại dịch, nhiều DN rất sáng tạo, năng động để thích ứng. Hiện tại, khi dịch đang cao điểm nhưng nhiều nhà máy vẫn duy trì hoạt động với các phương thức lần đầu tiên được sáng tạo ra để thích ứng với thực tế như “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc là “3 tại chỗ”.
Từ cuối năm 2020, nhiều DN đã chuyển đổi mô hình sản xuất, hoạt động kinh doanh. Một số DN chuyển sang sản xuất thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát trùng, đồ bảo hộ,… không chỉ để phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu.
Dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. DN tăng cường tiếp cận thị trường bằng công nghệ thông tin nhưng không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ sản phẩm thông thường mà còn vươn ra, kết nối với bạn hàng nước ngoài để xuất khẩu. Cũng nhờ chuyển đổi số, nhiều DN khởi nghiệp dựa vào công nghệ mới ra đời.
Chuyển đổi số giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm bớt các khâu trung gian và đặc biệt là thay đổi căn bản phương thức quản trị với quy trình minh bạch, rõ ràng hơn.
Sự minh bạch cũng là một điểm thu hút các đối tác nước ngoài quan tâm. Khi quy trình sản xuất chứng minh được tiêu chuẩn chất lượng, giám sát được về xuất xứ nguồn gốc thì có thể thâm nhập được vào thị trường thế giới.
Nói chung, đại dịch là môi trường để DN khẳng định bản lĩnh bằng sự năng động, sáng tạo, quyết đoán.
PV: Để giúp DN vượt qua thời điểm khó khăn này, Quốc hội, Chính phủ đã chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và cộng đồng DN. Ông đánh giá như thế nào về sự chủ động này?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Trước tác động của đại dịch, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách kịp thời phù hợp để hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn.
Ngay khi dịch bùng phát, các khoản chi từ ngân sách như phòng, chống dịch; tổ chức cách ly; cử lực lượng tham gia tuyến đầu,… phát sinh ngoài tiền lệ. Chính phủ đã ngay lập tức đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định ngay chế độ chi. Điều đó thể hiện sự kịp thời trong hành động của Quốc hội và Chính phủ.
|
Gần đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giao cho Chính phủ toàn quyền ra quyết định cần thiết để ứng phó kịp thời, phục vụ phòng, chống dịch ngay lập tức, kể cả các vấn đề luật pháp chưa quy định. Thậm chí, nếu có vấn đề trái luật pháp, không phù hợp quy định hiện hành, Chính phủ cũng có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay để quyết định.
Không chỉ vậy, trong bối cảnh ngân sách nhà nước (NSNN) hạn hẹp, Chính phủ vẫn dành ra nhiều khoản chi; nhiều chính sách miễn, giảm, giãn các khoản thuộc nghĩa vụ phải nộp của người dân, DN; hỗ trợ các hộ kinh doanh mất nguồn thu, hỗ trợ người dân mất việc, hỗ trợ DN trả tiền lương cho người lao động, giảm tiền điện, nước, viễn thông,… Đây là động thái rất đáng trân trọng và đáp ứng được những nhu cầu cấp bách.
PV: Như ông đã nói, trong bối cảnh khó khăn, nhiều chính sách tài khóa vẫn được “tung ra” để hỗ trợ DN. Các chính sách này có tác động như thế nào đến cộng đồng DN Việt Nam thời gian qua, thưa ông?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Trong các chính sách hỗ trợ cho DN của Chính phủ, chính sách miễn, giảm, giãn hoãn các khoản thuế và tiền thuê đất được áp dụng sớm nhất và có tính phổ biến rộng nhất, bao trùm được nhiều đối tượng DN.
Không chỉ hỗ trợ trực tiếp, các chính sách dành cho người lao động ngừng, nghỉ việc, vay vốn để duy trì; ưu tiên tiêm vắc-xin để tạo ra sự an toàn khi DN quay trở lại hoạt động,…
Các chính sách này rất đúng, rất trúng để gỡ khó cho DN, giúp DN giảm bớt gánh nặng, có điều kiện tích lũy, bù đắp các chi phí phải bỏ ra do dịch bệnh gây nên để có thể phục hồi tốt hơn.
Đó cũng là sự quan tâm của Chính phủ nhằm giúp cho DN đỡ khó khăn, duy trì để vượt qua được đại dịch. Tôi kỳ vọng rằng, chính sách tài khóa có thể mạnh hơn nữa để DN có thêm nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng cho việc kinh tế thế giới phục hồi và mở cửa trở lại.
PV: Có nhận định cho rằng, việc miễn, giảm thuế, thậm chí tạm lùi thời gian tăng thuế theo lộ trình sẽ khiến nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng. Ông nghĩ sao về nhận định này?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN. Trong lộ trình cải cách thuế, tái cấu trúc nguồn thu ngân sách, chúng ta đang hướng đến việc tập trung vào các nguồn thu đến từ hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Chính phủ lại thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn thu NSNN.
Tuy nhiên, nếu DN khó khăn, rút lui khỏi thị trường, DN sẽ không tạo ra nguồn thu trong tương lai cho xã hội, không tạo ra công ăn việc làm cho người lao động và ảnh hưởng đến các DN khác nằm trong chuỗi kinh doanh mặt hàng, từ đó ảnh hưởng tới cả nền kinh tế. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu lâu dài của NSNN.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sẽ giảm gánh nặng, giúp DN vượt qua khó khăn, có sức phục hồi sau đại dịch là biện pháp cần làm, chấp nhận hụt thu trước mắt để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài dựa vào khả năng tồn tại, phát triển và phục hồi của DN cũng như nền kinh tế.
Tuy vậy, bên cạnh sự chia sẻ của Nhà nước, bản thân các DN cũng cần chủ động nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Các DN cần chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ để “chen chân” được vào những chỗ “đứt gãy” của chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc; nâng cao năng lực của DN để có thể chủ động tham gia vào thị trường thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đề xuất kéo dài thời gian công nhận doanh nghiệp ưu tiên từ 3 lên 5 năm Theo Tổng cục Hải quan, trong quy định hiện hành, thời hạn áp dụng chế độ doanh nghiệp (DN) ưu tiên là 3 năm. Cứ 3 năm lại tiến hành kiểm tra sau thông quan để gia hạn, dẫn đến tình trạng DN ưu tiên bị kiểm tra nhiều hơn DN thường. Ngoài ra, thủ tục thực hiện gia hạn chế độ ưu tiên, cần được quy định rõ hơn, minh bạch hơn về thủ tục hành chính. Để tháo gỡ vướng mắc, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, cơ quan soạn thảo đang đề xuất kéo dài thời gian công nhận DN từ 3 năm lên 5 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Cùng với đó, đề xuất quy định thêm trách nhiệm của DN ưu tiên; làm rõ thẩm quyền cũng như thủ tục công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ DN ưu tiên. Ngoài ra, Luật Hải quan có một số điều kiện để công nhận DN ưu tiên đã được quy định nhưng Nghị định chưa hướng dẫn thực hiện như: điều kiện về thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu và điều kiện về kết nối, chia sẻ hệ thống của DN với cơ quan Hải quan. Các DN vừa và nhỏ, các DN thương mại điện tử,… đang phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam cũng chưa có quy định mở để áp dụng chế độ ưu tiên. Thực tế hiện nay, có một số trường hợp DN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là DN ưu tiên nhưng không thuộc các trường hợp đã quy định trong văn bản pháp luật. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đang đề nghị bổ sung thêm một số điều kiện công nhận đối tượng ưu tiên. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Hồng Vân (thực hiện)