Hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế

Lừa đảo thương mại quốc tế gia tăng

Tại hội nghị Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế diễn ra ngày 30/11/2023 do Bộ Công thương tổ chức, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đưa ra cảnh báo, nền kinh tế thế giới đang chịu tác động của những cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó vấn đề lừa đảo thương mại quốc tế nổi cộm với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, các tham tán thương mại tại nước ngoài phản ánh, thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, châu Âu (Hà Lan, Italia, Na Uy...).

Cảnh báo sớm rủi ro cho doanh nghiệp

Trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo sớm cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện.

Dẫn chứng cho thực tế nêu trên, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Cannada cho hay, trong thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng. Phổ biến là hình thức, một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, download đăng ký kinh doanh và dùng vỏ bọc của các doanh nghiệp; dùng tên của các chủ doanh nghiệp này để đi lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam. Trước đây mỗi tháng thường xảy ra khoảng 3 vụ, nay tăng lên hơn 10 vụ liên quan đến lừa đảo xác nhận những chứng chỉ không có thật với mức phí từ 1.000 USD đến 2.000 USD.

Ông Vũ Chiến Thắng - Tham tán thương mại Tây Ban Nha cũng cho hay, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng trong và ngoài nước đấu tranh, xử lý 7 vụ việc liên quan đến xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có 5 vụ hạt điều, 1 vụ hạt tiêu, 1 vụ gang đúc. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Tây Ban Nha thì khả năng rủi ro trong thương mại quốc tế đối với doanh nghiệp là rất lớn.

Nâng cao kỹ năng giao dịch cho doanh nghiệp

100 container hạt điều bị lừa đảo tại Italia năm 2022 là bài học lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa.
Từ thực tế phản ánh thương trường, ông Hoàng Minh Chiến cho hay, các vụ lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, dù nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đứng hàng đầu thế giới nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt đã quá tin tưởng vào người môi giới. Hiện nay, nhiều hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận.

Trước thực trạng này, Bộ Công thương đã tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm đàm phán ký kết hợp đồng, lựa chọn điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Khuyến nghị các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường... Tuy nhiên, hiện nay vẫn không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, bà Trần Thu Quỳnh khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, khi các doanh nghiệp Canada nhập khẩu đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch, thì hầu hết đều là lừa đảo. Bởi vì các doanh nghiệp nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện các thủ tục của sở tại. Trong trường hợp có khúc mắc, doanh nghiệp hãy liên lạc với Thương vụ Việt Nam để được tư vấn hỗ trợ.

Lựa chọn phương thức thanh toán an toàn trong giao dịch

Theo các chuyên gia kinh tế, hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với các công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất. Cụ thể, với thanh toán TT trả sau, bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán.

Từ vụ việc đã xảy ra, các chuyên gia về xuất nhập khẩu, luật sư khuyến nghị, các doanh nghiệp cần thận trọng, không thể làm tắt trong giao dịch thương mại quốc tế.

Theo đó, doanh nghiệp nên thông qua tổ chức đánh giá tín nhiệm hoặc các tổ chức tư vấn doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để xác minh năng lực đối tác. Doanh nghiệp có thể hạn chế rủi ro thông qua các doanh nghiệp dịch vụ logistics uy tín. Bên cạnh đó, có thể phòng ngừa rủi ro bằng việc mua bảo hiểm hàng hóa, sử dụng dịch vụ giám định của bên thứ ba. Về phương thức thanh toán, cần áp dụng phương thức thanh toán ít rủi ro nhất. Phương thức thanh toán D/P (nhờ thu tiền kèm chứng từ) linh hoạt nhưng lại nhiều rủi ro nhất.

Cũng theo các chuyên gia xuất nhập khẩu, các vụ bị lừa đảo một phần xuất phát từ tâm lý cần khách, muốn bán được hàng ngay, đặc biệt trong bối cảnh ít đơn hàng như hiện nay, nên có những doanh nghiệp không yêu cầu người mua đặt cọc, ngay cả khi đó là khách hàng mới.

Trong trường hợp chưa yên tâm về người mua, doanh nghiệp có thể đề nghị hãng tàu phát hành vận đơn theo lệnh của ngân hàng. Như vậy, ai có vận đơn trong tay mà chưa có lệnh của ngân hàng sẽ chưa thể nhận được hàng. Ngoài ra có thể chọn áp dụng phương thức phòng tránh rủi ro của ngân hàng, như: xác nhận mở L/C (thư tín dụng không thể hủy ngang), bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng... Việc này tuy sẽ mất thêm một khoản phí, nhưng giảm bớt nguy cơ về sau.