Nhiều hoạt động hỗ trợ

Đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành 16 nghị định quy định Biểu thuế Xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế Nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện các hiệp định thương mại, hiệp định đối tác kinh tế. Việc ban hành các nghị định này góp phần hoàn thiện xây dựng thể chế để tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết thuế quan của Việt Nam theo các hiệp định, qua đó, tiếp tục tạo thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước, tạo hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế Việt Nam.

Để giúp doanh nghiệp (DN) tận dụng hiệu quả hiệp định thương mại tự do, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, chú trọng tập huấn, đào tạo, hướng dẫn công chức, DN thực hiện. Chẳng hạn, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức 3 đợt tập huấn thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đối với các hiệp định khác, Tổng cục Hải quan cũng phối hợp thường xuyên với Bộ Công thương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan hướng dẫn cho DN.

Đáng chú ý, giai đoạn 2018 - 2022, đặc biệt là năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, để tháo gỡ vướng mắc cho DN do thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành một số văn bản hướng dẫn, đặc biệt là Thông tư 47/2020/TT-BTC về gia hạn thời gian nộp chứng từ. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng tích cực phối hợp với đơn vị triển khai trao đổi với các quốc gia là thành viên các hiệp định để đẩy nhanh áp dụng C/O điện tử, tạo thuận lợi cho DN.

Tuy vậy, theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), trong quá trình thực thi các biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện các hiệp định thương mại, hiệp định đối tác kinh tế giai đoạn 2018 - 2022, DN và cơ quan hải quan cũng gặp những khó khăn, vướng mắc.

Trong giai đoạn đầu thực hiện các hiệp định thương mại, doanh nghiệp rất dễ nhầm lẫn khi đối chiếu các mức thuế suất. Ảnh: Văn Tá
Trong giai đoạn đầu thực hiện các hiệp định thương mại, doanh nghiệp rất dễ nhầm lẫn khi đối chiếu các mức thuế suất. Ảnh: Văn Tá

Vướng mắc phát sinh khi triển khai các hiệp định thế hệ mới. Đơn cử như Hiệp định RCEP có điểm mới là các mức thuế suất áp dụng theo từng quốc gia tham gia ký kết hiệp định, vì vậy trong giai đoạn đầu thực hiện DN rất dễ nhầm lẫn khi đối chiếu các mức thuế suất.

Một số hiệp định quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, giao cho người xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ thay vì cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp như các hiệp định truyền thống, dẫn đến công chức hải quan vướng mắc khi tra cứu hình thức, tính pháp lý của chứng từ... Mặc dù phát sinh, nhưng theo đại diện Tổng cục Hải quan, những vướng mắc giai đoạn đầu triển khai đã được hướng dẫn, xử lý ngay.

Ứng phó nguy cơ gian lận xuất xứ

Trong bối cảnh các hiệp định hầu hết đã có hiệu lực và đi vào áp dụng, ông Đào Duy Tám cho biết, mức thuế suất đã và đang giảm sâu theo cam kết từng giai đoạn. Việc cắt giảm thuế suất dẫn đến nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại cũng gia tăng.

Đặc biệt từ khi xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; Việt Nam với trách nhiệm là nước thành viên các hiệp định đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát xuất xứ theo đúng cam kết. Cơ quan hải quan đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh, qua đó phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về gian lận xuất xứ và xử lý như: mặt hàng pin năng lượng mặt trời, gỗ ván sàn, tủ bếp bằng gỗ...

Để vừa đảm bảo công tác quản lý vừa tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là vấn đề xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu cơ quan hải quan thường xuyên phối hợp với các tổ chức, cơ quan hải quan các nước để cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra hoạt động sản xuất của DN. Ngành Hải quan cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát xuất xứ hàng hóa. Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cho phép áp dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp. Khi áp dụng quy tắc này dễ dẫn tới lẩn tránh về xuất xứ từ các nước không được hưởng.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Tám cho hay, như khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường từ Thái Lan, DN đã chuyển hoạt động sản xuất sang các nước thuộc ASEAN. Tuy nhiên, thực tế đường nhập khẩu từ Thái Lan, hoặc đường sản xuất từ các nước ASEAN nhưng nguyên liệu nhập từ các nước không phải trong ASEAN.

Với các trường hợp đó, thời gian tới cơ quan hải quan sẽ tiến hành điều tra, xác minh tại các nước xuất khẩu. Ngoài ra cơ quan hải quan cũng đang tiến hành thực hiện ký kết trao đổi thông tin xuất xứ hàng hóa với một số nước như Hàn Quốc và các quốc gia có lưu lượng hàng hóa lớn tới Việt Nam.

Đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã đến lúc cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong tiến trình thực thi các FTA. Cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của DN. Chúng ta phải tìm hiểu xem nhu cầu của các DN cụ thể ra sao, cần cung cấp thông tin về vấn đề gì, với từng nhóm DN theo quy mô, theo ngành nghề ra sao...

Bên cạnh đó, cần phải tạo được một cơ chế kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương; giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội DN. Bởi rõ ràng hiện nay vẫn còn có khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu của các DN và khả năng, mức độ đáp ứng hỗ trợ DN tận dụng các cơ hội từ các FTA.