Dành kinh phí hơn 800 tỷ đồng cho các dự án

Kế hoạch 121-KH/TU (ngày 05/12/2014) của Ban Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình đã ban hành các cơ chế để ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt việc đầu tư triển khai Dự án xây dựng Chính quyền điện tử, các dự án thuộc đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, đề án “Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” đã đem lại hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo tính kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin trong và ngoài tỉnh.

Hoà Bình: Các dự án đầu tư công nghệ thông tin phát huy hiệu quả thiết thực
Xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước luôn được tỉnh Hòa Bình quan tâm đầu tư. Ảnh: CTV
Trong giai đoạn năm 2014-2024, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện 141 nhiệm vụ, dự án, chương trình ứng dụng phát triển công nghệ thông tin với tổng số kinh phí là trên 800 tỷ đồng.

Hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí chi cho đầu tư, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; trong đó mua sắm trang bị mới, bổ sung, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách làm cơ sở cho việc triển khai chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước; tích cực đầu tư hạ tầng số, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Đánh giá 10 năm thực hiện Kế hoạch 121-KH/TU, Tỉnh uỷ tỉnh Hoà Bình ghi nhận, đến nay, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm đầu tư, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành góp phần vào cải cách hành chính trong Đảng, việc thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chương trình chuyển đối số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2015, định hướng đến năm 2030.

Điểm nhấn là trong đầu tư ứng dụng CNTT của tỉnh Hoà Bình trong 10 năm qua là Trung tâm dữ liệu chung của Tỉnh ủy được đưa vào sử dụng từ năm 2020 bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn Tier II phù hợp với đặc thù của các cơ quan đảng từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, an toàn an ninh thông tin, cho phép vận hành không giấy tờ. Hệ thống phần mềm phòng họp không giấy tờ đã rút ngắn từ 30% - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy, đẩy nhanh hiệu quả làm việc, tiết kiệm chi phí.

100% cơ quan, đơn vị triển khai chữ ký số

Thực hiện mục tiêu Chính phủ điện tử, Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng phần mềm kiểm phiếu Đại hội Đảng bộ các cấp tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025”, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và đúng theo quy chế bầu cử trong Đảng.

Hoà Bình: Các dự án đầu tư công nghệ thông tin phát huy hiệu quả thiết thực

Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương tại Hoà Bình đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Ảnh: CTV

Đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đã được triển khai tới 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống văn bản điện tử của khối các cơ quan Đảng để phục vụ gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, tạo ra một bước tiến lớn trong công tác quản lý, điều hành và xử lý công việc, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian, tăng cường trao đổi văn bản điện tử, giảm chi phí giấy tờ, tài liệu... Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt gần 100%.

Đến thời điểm hiện tại tỉnh đã được cấp 6.203 chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho tổ chức và cá nhân, trong đó: 1.029 chứng thư số cho tổ chức; 5.171 chữ ký số cho cá nhân thuộc các các cơ quan Đảng, nhà nước bao gồm cả đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. 100% các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, xã đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng của tổ chức và 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số cá nhân để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.

Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định (địa chỉ mail.hoabinh.gov.vn). Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt trên 50%.

Thời gian tới, tỉnh Hoà Bình tiếp tục phát huy, tăng cường hiệu quả ứng dụng CNTT khối các cơ quan Đảng phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT khối các cơ quan nhà nước, tập trung xây dựng, nâng cấp các ứng dụng CNTT nền tảng xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ưu tiên đầu tư cho ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh, cho công tác bảo đảm an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.