Thực hiện đồng bộ, bài bản

Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, việc chuyển đổi số hiện nay là công cụ để hiện đại hóa hải quan theo mục tiêu trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, xa hơn là ngành Hải quan có thể đồng bộ với các bộ, ngành tiếp tục vai trò dẫn dắt, là đơn vị đi đầu Bộ Tài chính, đi đầu khối cơ quan Chính phủ về chuyển đổi số.

Trong một diễn đàn được tổ chức cách đây ít lâu, cộng đồng doanh nghiệp nói chung đã đánh giá cao nền hành chính công vụ không giấy tờ. Doanh nghiệp luôn mong muốn làm sao giảm được nhiều nhất thủ tục hành chính không cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp, như thế cũng đồng nghĩa với việc giảm các hoạt động không cần thiết cho khu vực công, trong đó có Hải quan Việt Nam. Trong hành trình đó, cộng đồng doanh nghiệp mong ngành Hải quan “làm tới, làm chín”, không chỉ quy định về mặt lý thuyết, mà phải đồng bộ trên thực tiễn.

Chia sẻ về điều này, bà Bùi Kim Thùy, đại diện cấp cao tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, việc triển khai hải quan số cần được thực hiện đồng bộ, bài bản với hệ thống Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Vì sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong quá trình sản xuất hàng hóa dịch vụ không nghiêm trọng bằng đứt gãy chuỗi cung ứng trong quá trình thực hiện văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương.

Với những kết quả trong việc thực hiện cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Hải quan trong thời gian qua và định hướng về xây dựng Hải quan số trong giai đoạn tới, bà Thùy cho rằng, khi Hải quan Việt Nam đạt được kỳ vọng của ngành cũng chính là đáp ứng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp về một hải quan không giấy tờ.

Ngành Hải quan tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thiện các nghiệp vụ tổng thể, yêu cầu nghiệp vụ hải quan. Ảnh: Đỗ Doãn
Ngành Hải quan tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thiện các nghiệp vụ tổng thể, yêu cầu nghiệp vụ hải quan. Ảnh: Đỗ Doãn

Thực tế, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, để đáp ứng yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch để làm cơ sở cho việc phát triển ứng dụng công nghệ, Chính phủ điện tử và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã chủ động nghiên cứu và ban hành các văn bản nội bộ về quy chế, quy trình nhằm hoàn thiện việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 384/CT-TCHQ ngày 8/2/2022 về đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022. Đối với những nhiệm vụ cần được triển khai thông qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như chuyển đổi chứng từ bản giấy-bản chính trong bộ hồ sơ hải quan, xây dựng bổ sung chức năng trên hệ thống, hoặc xây dựng hệ thống hải quan thông minh, hải quan số, các đơn vị nghiệp vụ đã kịp thời rà soát và đề xuất đưa vào các bài toán nghiệp vụ và nội dung sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể với từng quy trình, thủ tục

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Hải quan trong thời gian tới, cơ quan hải quan các cấp cần nhận diện rõ nhiệm vụ, đề ra được kế hoạch, đặt ra mục tiêu, bám sát vào chiến lược và có kết quả đầu ra rõ ràng. Đối với cục hải quan các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đánh giá thực tiễn có tính hệ thống để kiến nghị cụ thể vào từng quy trình, thủ tục.

Để đảm bảo triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý, hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan, trong đó ban hành các văn bản quy định chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ, hồ sơ và xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý nghiệp vụ hải quan, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại...

Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, năm 2023, ngành Hải quan sẽ tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ tổng thể, yêu cầu nghiệp vụ hải quan theo Đề án hải quan số, hải quan thông minh để trình lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Bộ Tài chính. Đầu tiên là phải chuyển đổi số hóa thông tin chứng từ tài liệu. Có dữ liệu số, thông tin số thì trên cơ sở đó mới ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác phân tích đánh giá, qua đó giảm các khâu, bước trong quy trình thủ tục.

Phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030

Nhiều năm qua, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã có những chỉ đạo về công tác chuyển đổi số, hướng tới xây dựng Hải quan thông minh. Đặc biệt tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 đã chỉ rõ mục tiêu về chuyển đổi số của Hải quan Việt Nam.