Luôn quán triệt phòng ngừa rủi ro trong toàn hệ thống

Khi các giao dịch thu, chi ngân sách đều được thực hiện trên môi trường mạng thì nhiều rủi ro rất dễ xảy ra. Với vai trò là cơ quan kiểm soát, thanh toán các nguồn vốn NSNN, trong những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát nội bộ hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) luôn được lãnh đạo đơn vị quan tâm, chỉ đạo nhằm mục tiêu chủ động phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, sai sót trong hoạt động, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Hướng đi mới trong thanh tra, kiểm tra tại Kho bạc Nhà nước
Cán bộ Kho bạc Nhà nước Hòa Bình kiểm tra, đối chiếu số liệu.

Ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra, KBNN cho biết, bám sát định hướng của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, hàng năm KBNN đều ban hành kế hoạch kiểm tra nội bộ của các đơn vị thuộc KBNN trên nguyên tắc: Tập trung kiểm tra những nghiệp vụ tiềm ẩn rủi ro cao, đối tượng đưa vào kế hoạch kiểm tra được theo dõi luân phiên thứ tự đảm bảo không bỏ sót đơn vị. Đồng thời, KBNN ban hành công văn định hướng KBNN các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ tại đơn vị mình; kết hợp hài hòa giữa kiểm tra thường xuyên, kiểm tra chéo và kiểm tra đột xuất.

“Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra một cách toàn diện với những nội dung trọng tâm trọng điểm đã trở thành nề nếp trong toàn hệ thống, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, phòng ngừa rủi ro”- ông Tuấn chia sẻ.

Đặc biệt, từ cuối năm 2020, KBNN đã triển khai Tiện ích tra cứu dữ liệu Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Thông qua tiện tích này, công chức thanh tra, kiểm tra trong toàn hệ thống được cấp user có quyền tra cứu dữ liệu chương trình DVCTT nhằm phát hiện những vấn đề bất thường để cảnh báo cho lãnh đạo đơn vị có biện pháp xử lý, đồng thời phục vụ tích cực và hiệu quả cho việc xây dựng kế hoạch và tiến hành các cuộc kiểm tra.

Giám sát từ xa công tác tiếp nhận,
xử lý hồ sơ giao dịch
qua dịch vụ công trực tuyến

Từ tháng 10/2021, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện giám sát từ xa công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể là giám sát việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến đảm bảo không muộn hơn 8 giờ làm việc theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ; giám sát hồ sơ thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến bị trả lại nhiều lần; giám sát hồ sơ quá hạn xử lý theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 của Chính phủ.

KBNN cũng đã ban hành công văn chỉ đạo KBNN tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân và biện pháp xử lý trường hợp phát hiện những sai sót trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ kiểm soát chi qua DVCTT và chứng thư số. Nhận diện cảnh báo kịp thời những trường hợp user đã lâu không sử dụng; chấn chỉnh nghiêm các đơn vị KBNN tỉnh, huyện rà soát, kiểm tra, yêu cầu theo dõi chặt chẽ các user không sử dụng và thu hồi user theo quy định.

Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra - KBNN cho biết, việc khai thác DVCTT để phục vụ công tác kiểm tra giám sát là cách làm mới trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của toàn hệ thống, là bước khởi đầu thực hiện điện tử hóa công tác kiểm tra, giám sát, hướng tới kiểm tra theo phương thức điện tử, phù hợp với lộ trình thực hiện KBNN điện tử, hướng tới KBNN số.

Gắn kết quả kiểm tra, giám sát với trách nhiệm của người đứng đầu

Hướng tới mục tiêu phòng ngừa rủi ro, nâng cao chất lượng phục vụ của KBNN các cấp, Tổng Giám đốc KBNN đã yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố; thủ trưởng các đơn vị thuộc KBNN quyết liệt chỉ đạo, thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, giám sát nội bộ hệ thống KBNN, gắn kết quả kiểm tra, giám sát với trách nhiệm của người đứng đầu KBNN các cấp.

Theo đó, KBNN đặt ra mục tiêu đổi mới công tác kiểm tra, giám sát nội bộ hệ thống KBNN nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra trực tiếp, từng bước chuyển từ phương thức kiểm tra thủ công trực tiếp tại trụ sở KBNN là đối tượng được kiểm tra sang thực hiện kiểm tra, giám sát từ xa theo phương thức điện tử. Từng bước thiết lập hoạt động kiểm toán nội bộ trong hệ thống KBNN.

Đặc biệt, KBNN sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm khai thác triệt để các dữ liệu sẵn có trên môi trường điện tử để từng bước chuyển đổi từ phương thức kiểm tra, giám sát trực tiếp (tại chỗ) sang phương thức kiểm tra, giám sát trên môi trường điện tử.

Bên cạnh đó, KBNN cũng đặt ra lộ trình triển khai. Cụ thể, đối với công tác kiểm tra nội bộ, ngoài việc khai thác dữ liệu trên chương trình Tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT, đến năm 2025, KBNN hoàn thành nghiên cứu triển khai thực hiện kiểm tra nội bộ theo phương thức điện tử.

Đối với công tác giám sát, trên cơ sở dữ liệu hiện có của hệ thống DVCTT, triển khai thực hiện giám sát việc chấp hành quy định tiếp nhận, xử lý TTHC trên môi trường điện tử. Đến 2025, hoàn thành bước nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát hoạt động KBNN, từng bước xây dựng khung quản lý rủi ro trong hoạt động KBNN.

Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, KBNN đang yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy thanh tra KBNN; rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy chế, quy trình phù hợp lộ trình thực hiện KBNN điện tử, hướng tới kho bạc số. Nghiên cứu, có giải pháp nâng cấp chương trình DVCTT đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác kiểm tra, giám sát.

Ngoài ra, KBNN yêu cầu các đơn vị KBNN tỉnh, thành phố thực hiện đổi mới hoạt động kiểm tra giám sát; quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức trong đơn vị tuyệt đối không hách dịch, sách nhiễu trong giải quyết công việc; kiên quyết áp dụng thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trường hợp phát hiện hành vi vi phạm của các đơn vị giao dịch qua DVCTT theo đúng quy định.

Khánh Hòa giải ngân vốn đầu tư đạt 78% kế hoạch

Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Khánh Hòa cho biết, đến hết tháng 11/2021, đơn vị đã giải ngân được 2.022 tỷ đồng vốn đầu tư, đạt 78% kế hoạch tỉnh giao và đạt 54% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này cho thấy, KBNN Khánh Hòa đã kịp thời đề xuất, báo cáo hàng ngày cấp có thẩm quyền tình hình và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, đơn vị luôn đồng hành, hỗ trợ tích cực chủ đầu tư, bám sát kế hoạch vốn phân bổ và các văn bản chế độ liên quan đến thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công đã ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ và khắc phục những khó khăn của chủ đầu tư để đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn.

Đặc biệt, đối với nhóm dự án đã hoàn thành từ trước ngày 31/12/2020 vẫn còn tồn đọng quyết toán và kế hoạch vốn chưa giải ngân, KBNN Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương liên hệ với nhà thầu để thanh toán công nợ theo quy định (đối với dự án đã phê duyệt quyết toán); yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán trong thời hạn 4 ngày (kể từ ngày khối lượng được nghiệm thu) làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN; thực hiện nghiêm quy định về tạm ứng, thu hồi tạm ứng, báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư của từng dự án theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, KBNN Khánh Hòa thường xuyên rà soát, nhắc nhở các chủ đầu tư gia hạn bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo đúng quy định....

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến hết năm ngân sách 2021, KBNN Khánh Hòa đang tiếp tục đẩy mạnh giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc; tuân thủ thời gian giải quyết hồ sơ, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư. Lấy khách hàng là trung tâm, đối tượng phục vụ, tuyệt đối không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do, tất cả vướng mắc (nếu có) được giải đáp kịp thời, rõ ràng...