Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trọng điểm

Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, điểm nút trong khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc” và hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc.

Vì vậy, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nằm trong hệ thống tuyến đường cao tốc Hà Nội - Quảng Ninh, được xác định có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Công trình không chỉ góp phần thúc đẩy liên kết vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc, mở rộng không gian phát triển cho toàn khu vực mà còn là minh chứng cụ thể nhất cho tư duy dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Huyện Hải Hà, Quảng Ninh: Nhiều cơ hội bứt phá
Lãnh đạo huyện Hải Hà thăm và tặng quà các đơn vị thi công cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đoạn qua huyện Hải Hà.

Tuyến cao tốc này là đoạn tuyến cuối cùng của trục cao tốc xương sống dọc tỉnh Quảng Ninh, gồm: Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài gần 200km, điểm đầu kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II thuộc thành phố Móng Cái.

Dự án có tổng vốn đầu tư 11.195 tỉ đồng, với chiều dài tuyến gần 80km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h, đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái. Đoạn qua địa phận huyện Hải Hà có chiều dài 20,32km, đi qua các xã: Đường Hoa, Quảng Long, Quảng Sơn, Quảng Chính, Quảng Thịnh và Quảng Thành.

Trải qua hai năm đại dịch Covid-19 cùng với những biến động về kinh tế - xã hội, tuy nhiên huyện Hải Hà đã quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Sắp tới đây, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi vào hoạt động, con đường đến với Thủ đô sẽ không còn xa vời. Tuyến đường không những tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, học tập, công tác… mà còn có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh, bền vững.

Đây còn là con đường cao tốc ven biển dài nhất, đẹp nhất, kết hợp khai thác hài hòa không gian địa lý khu vực tuyến đi qua; được thực hiện bằng tư duy sáng tạo, phong cách làm việc năng động, tinh thần kỷ luật và đồng tâm của các cấp chính quyền cùng nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện Hải Hà nói riêng.

Huyện Hải Hà, Quảng Ninh: Nhiều cơ hội bứt phá
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Quảng Ninh.

Việc hoàn thành đoạn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đánh giá sẽ giúp các khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh có sự phát triển vượt bậc, tạo sức mạnh lan tỏa và là động lực giúp khu vực miền Đông của Quảng Ninh tăng trưởng nhanh hơn, kéo gần khoảng cách về KT-XH với các địa phương có tốc độ phát triển cao như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái...

Với lợi thế về công nghiệp chế biến, chế tạo; tiềm năng khai thác Cửa khẩu Bắc Phong Sinh trong chuỗi các cửa khẩu của tỉnh; nhu cầu phát triển đô thị, du lịch, thương mại…, Hải Hà hiện đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển toàn diện, đồng bộ, bứt phá. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là trọng điểm khi sở hữu khu công nghiệp (KCN) Cảng biển Hải Hà, đồng thời hình thành các KCN mới dọc theo trục cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Đặc biệt, huyện có 4 xã và thị trấn Quảng Hà nằm trong khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu Móng Cái với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, vì vậy cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành là cơ hội để Hải Hà phát triển dịch vụ tổng hợp theo hướng công nghiệp sạch, xanh, thân thiện môi trường; phát triển kinh tế biển với trọng tâm du lịch - dịch vụ biển đảo chất lượng cao gắn với các khu đô thị sinh thái, đô thị xanh ven biển, hạ tầng logistics, phát triển kinh tế rừng, kinh tế thủy sản.

Tăng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp gắn với thu hút đầu tư

Qua trao đổi với chúng tôi về tình hình kinh tế huyện Hải Hà, ông Nguyễn Hữu Liêm cho biết: Tổng giá trị sản xuất quý I/2022 ước đạt 309,2 tỷ đồng, bằng 24,9% kế hoạch năm, tăng 13,7% so với cùng kỳ và đạt 105,5% so với kịch bản tăng trưởng quý I/2022. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp quý I/2022 ước đạt 278,458 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và bằng 137,5% so với kịch bản tăng trưởng quý I/2022.

Tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2022 ước đạt 59,125 tỷ đồng, bằng 17,6% dự toán tỉnh giao, bằng 15,2% kế hoạch huyện giao và bằng 83,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư công, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, công tác quy hoạch; quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường; giải phóng mặt bằng và hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ…

Trong quý II, huyện sẽ tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, tích cực thực hiện chủ đề công tác năm, tiếp tục chỉ đạo nhân dân tập trung chăm sóc cây trồng vụ Xuân, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; tích cực, chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu - chi ngân sách; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục khởi công đối với các công trình khởi công mới năm 2022.

Huyện sẽ đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cho các đối tượng; tiếp tục xây dựng chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện.

Ông Liêm cũng cho biết: Triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, huyện Hải Hà đang tập trung đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Trong đó, huyện tiếp tục xác định phát triển công nghiệp là khâu trọng tâm, đột phá; ưu tiên thu hút phát triển các dự án công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường; kết hợp chặt chẽ các mục tiêu phát triển kinh tế với xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc, con người Hải Hà “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”; đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.

Đối với vấn đề quy hoạch, phải phát triển đô thị Hải Hà gắn với Móng Cái, quản lý, bảo vệ hiệu quả quỹ đất, sử dụng đất tiết kiệm với tầm nhìn dài hạn để phát triển dịch vụ gắn với đô thị hóa; tiếp tục cải thiện kết cấu hạ tầng trong KCN và hạ tầng khu vực cửa khẩu; hạ tầng y tế, giáo dục, thể thao; thực hiện khâu đột phá phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng, gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số; xây dựng văn hóa giàu bản sắc, rút ngắn khoảng cách vùng miền, chênh lệch giàu - nghèo.

Bên cạnh đó, huyện cần có giải pháp cốt lõi về phát triển giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo phương châm “ly nông bất ly hương”, tạo thu nhập ổn định cho lao động khu vực nông thôn, nông nghiệp ngay từ KCN Cảng biển Hải Hà; nâng cao chất lượng y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, đặc biệt là công nhân các KCN trên địa bàn huyện.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Huyện Hải Hà phải phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh để tăng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp Hải Hà, gắn với tốc độ thu hút đầu tư, kiểm soát, quản lý, sử dụng đất. Thực hiện rà soát, quy hoạch đất khu vực Cửa khẩu Bắc Phong Sinh để chuẩn bị quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ biên giới. Quan tâm đến phát triển cơ cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và thúc đẩy sản xuất, các giải pháp tạo thu nhập bền vững.