Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 tại Hà Nội
Các bạn trẻ trải nghiệm ấn phẩm sách điện tử.

Một số sự kiện đáng chú ý là: Triển lãm, Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3; triển lãm và Hội sách trực tuyến phục vụ bà con kiểu bào Việt Nam ở nước ngoài; lễ phát động Ngày đọc sách trong Thanh niên... cùng nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc trên khắp cả nước.

Đặc biệt, tại không gian triển lãm sách, bạn đọc sẽ được chiêm ngưỡng các bộ sách quý về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước, con người Việt Nam trên các phiên bản điện tử hiện đại và các ấn bản trực tiếp. Hội Sách năm nay cũng thu hút khoảng 60 đơn vị tham gia, trưng bày và cung cấp trên 40.000 đầu sách có giá trị.

Với các thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, "Tặng sách hay - Mua sách thật", "Sách hay", "Mắt đọc - Tai nghe", Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba tại Hà Nội là sự kiện văn hóa quan trọng, có ý nghĩa với những người yêu sách, đặc biệt là các bạn trẻ, góp phần khơi dậy niềm đam mê và hứng thú đọc sách của cộng đồng, xã hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, nhằm phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai các hoạt động, phong trào phát triển văn hóa đọc, hoạt động tôn vinh sách, đưa Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 thực sự có ý nghĩa trong đời sống xã hội, với mong muốn lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách trong cộng đồng. Những năm gần đây, văn hóa đọc Thủ đô đã có những bước phát triển rõ rệt, chuyển biến thực chất. Đọc sách trở thành thói quen và nét đẹp trong đời sống xã hội. Ngành xuất bản đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong việc góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nhận thức rõ vai trò của sách và văn hóa đọc trong phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh việc ban hành Nghị quyết số 18 về chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh, Hà Nội còn là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và triển khai Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, xuất bản và văn hóa đọc là một trong những lĩnh vực đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần từng bước thực hiện quan điểm xuyên suốt theo Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã đề ra “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô”.