stb

Sacombank hiện đang trong giai đoạn thực hiện Đề án tái cơ cấu. Ảnh: T.L.

Khác nhau về cơ cấu khách hàng

Về mối quan hệ giữa 2 ngân hàng này, Eximbank là một cổ đông quan trọng của Sacombank, với tỷ lệ nắm giữ là 4,69% cổ phần. Tỷ lệ này chỉ thua kém 1 cổ đông cá nhân là ông Trầm Trọng Ngân. Tuy ít nhiều có mối quan hệ sở hữu như trên, nhưng thực tế tính chất kinh doanh của 2 ngân hàng này cũng có nhiều điểm khác nhau.

Sacombank có quy mô vốn chủ sở hữu là 29.615 tỷ đồng, lớn hơn gấp khoảng 1,7 lần so với người anh em Eximbank. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng trên thị trường tín dụng của Sacombank thậm chí còn lấn át hơn nhiều. Quy mô dư nợ cho vay khách hàng của Sacombank tại thời điểm giữa năm 2021 lên tới hơn 347 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với quy mô dư nợ của Eximbank.

Không chỉ khác nhau về quy mô cho vay, 2 ngân hàng này cũng có sự khác nhau khá nhiều về mặt đối tượng khách hàng vay vốn. Sacombank chịu ảnh hưởng đáng kể từ nhóm khách hàng thuộc ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ. Tỷ trọng cho vay khách hàng nhóm này vượt trội hơn hẳn các nhóm ngành khác, chiếm tới 46,36% dư nợ cho vay và bỏ xa tỷ trọng của nhóm có tỷ trọng đứng thứ hai là nông lâm thủy sản (10,8%).

So với thời điểm đầu năm, Sacombank đã tỏ ra bị gia tăng sự phụ thuộc vào nhóm khách hàng thuộc ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ nhiều hơn, khi tỷ trọng nhóm ngành này thời điểm 1/1/2021 chỉ là 42,43%. Trong khi đó, 3 nhóm ngành tiếp theo đều giảm tỷ trọng cho vay so với đầu năm; đó là các nhóm ngành nông lâm thủy sản, hoạt động cho thuê và kinh doanh ô tô xe máy.

Trong khi đó, cơ cấu nhóm khách hàng của Eximbank cho thấy sự khác hẳn so với người đồng nghiệp Sacombank, sự chênh lệch về tỷ trọng cho vay trong những nhóm khách hàng đứng đầu cũng có nhiều điểm khác.

Với Sacombank, nhóm kinh doanh ô tô xe máy chỉ đứng thứ tư thì nhóm khách hàng này lại được ưu ái hơn ở Eximbank khi giữ vị trí dẫn đầu với tỷ trọng 33,6%. Tuy nhiên, tại Eximbank, khoảng cách của nhóm khách hàng dẫn đầu với các nhóm tiếp theo không quá chênh lệch. Nhóm khách hàng thứ hai tại ngân hàng này là nhóm kinh doanh bất động sản với 25,5% và nhóm tiếp theo là công nghiệp chế biến chế tạo với 13,9%.

Cơ hội và rủi ro khác nhau

Sự khác nhau về các nhóm khách hàng rõ ràng sẽ tạo ra cho mỗi ngân hàng cơ hội và rủi ro khác nhau, do trong từng bối cảnh kinh tế, từng ngành nghề đều chịu tác động riêng.

So sánh về hiệu quả kinh doanh, Sacombank đang cho thấy sự vượt trội hơn về các chỉ số thu nhập.

Cụ thể, ngân hàng này có tổng thu nhập hoạt động trong nửa đầu năm 2021 lên tới 8.459 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 1.790 tỷ đồng. Các con số này tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với các chỉ tiêu tương ứng của Eximbank với giá trị 2 chỉ tiêu này lần lượt chỉ là 2.393 tỷ đồng và 502 tỷ đồng.

Loại trừ yếu tố lợi thế về quy mô, tỷ lệ thu nhập hoạt động/vốn chủ sở hữu của Sacombank cũng cao hơn so với Eximbank, lần lượt là 28,6% so với 13,9%. Tương tự, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu giai đoạn nửa đầu năm 2021 của Sacombank cũng ghi nhận mức 6%, trong khi của Eximbank chỉ là 2,9%.

So sánh với quy cho vay, tổng thu nhập lãi thuần/quy mô cho khách hàng (bình quân đầu kỳ - cuối kỳ) của Sacombank là khoảng 2,5%; cũng đạt mức nhỉnh hơn chút ít so với mức 2,35% của Eximbank. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế/quy mô cho vay khách hàng bình quân của Sacombank là 0,53%, còn của Eximbank là 0,49%.

Các chỉ trên cho thấy Sacombank đang có phần ưu thế hơn xét hiệu quả kinh doanh, nhưng Eximbank lại cho thấy họ có độ an toàn cao hơn về quản trị rủi ro cho vay, xét về tỷ trọng giá trị các khoản nợ rủi ro trên tổng dư nợ.

Tại thời điểm 30/6/2021, số tiền mà Eximbank phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay là 1.074 tỷ đồng, trong khi đó của Sacombank lên tới 5.175 tỷ đồng. Đương nhiên, việc trích lập dự phòng được coi là cao hay thấp sẽ cần phải so sánh với quy mô cho vay của từng ngân hàng.

Tính theo tỷ lệ về quy mô dự nợ cho vay khách hàng, tỷ lệ rủi ro cho vay mà Eximbank phải trích lập là hơn 1%; trong khi đó tỷ lệ này của Sacombank ở mức cao hơn, với khoảng 1,5%.

Riêng với Sacombank, ngân hàng này đang thực hiện đề án tái cơ cấu, với thời gian thực hiện đến hết năm 2025. Theo đề án này, ngân hàng được thực hiện trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro tín dụng theo năng lực tài chính trong thời gian thực hiện đề án. Theo đó, các khoản nợ có khả năng mất vốn ghi nhận tại thời điểm 30/6/2021 (giá trị là 3.930 tỷ đồng) đã được tính bao gồm khoản 1.923 tỷ đồng được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dựa trên năng lực tài chính theo đề án tái cơ cấu nêu trên./.

So sánh các chỉ số tài chính cơ bản của Eximbank và Sacombank 6 tháng đầu năm 2021 (tỷ đồng)

Chỉ tiêu

Eximbank

Sacombank

Vốn chủ sở hữu

17.253

29.615

Cho vay khách hàng

105.279

347.018

Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng

1.074

5.175

Tổng thu nhập hoạt động

2.393

8.459

Lợi nhuận sau thuế

502

1.790

Cơ cấu khách hàng của Sacombank

Nhóm ngành

Dư nợ (tỷ đồng)

Tỷ lệ

Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ

163.270

46,36%

Nông lâm thủy sản

38.024

10,8%

Hoạt động làm thuê

36.526

10,37%

Kinh doanh ô tô xe máy

31.214

8,86%

Cơ cấu khách hàng của Eximbank

Nhóm ngành

Dư nợ (tỷ đồng)

Tỷ lệ

Kinh doanh ô tô xe máy

35.737

33,6%

Kinh doanh bất động sản

27.095

25,5%

Công nghiệp chế biến chế tạo

14.765

13,9%

Xây dựng

5.844

5,5%


Chí Tín