Đảm bảo an toàn trong các giao dịch

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Nội cho biết, hướng tới mục tiêu cải cách và hiện đại hóa nền hành chính công, với phương châm xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy khách hàng làm trung tâm, KBNN Hà Nội đã và đang nỗ lực đổi mới phương thức quản lý tinh gọn bộ máy, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh chuyển đổi số. Những đổi mới này đã mang lại nhiều thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) khi thực hiện giao dịch với kho bạc.

Kho bạc Nhà nước Hà Nội đảm bảo an toàn tài chính ngân sách lên hàng đầu
Công chức KBNN Cầu Giấy, Hà Nội đang thực hiện đối soát số liệu thanh toán vốn với đơn vị sử dụng ngân sách. Ảnh: H.T

Cũng theo bà Hương, KBNN Hà Nội có quy mô hoạt động lớn nhất cả nước với trên 10 nghìn đơn vị SDNS và hơn 32 nghìn tài khoản giao dịch trên toàn địa bàn. Nhiều đơn vị giao dịch có quy mô lớn, nghiệp vụ đa dạng, nhiều cơ chế tài chính đặc thù, nhất là cơ chế tài chính đặc thù theo luật thủ đô của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP. Hà Nội.

Đồng thời, tại KBNN Hà Nội, trung bình mỗi ngày xử lý 6 nghìn hồ sơ giao dịch, cá biệt vào dịp cuối năm, có những ngày KBNN Hà Nội xử lý trên 9 nghìn hồ sơ. Con số này vượt xa so với mức trung bình của cả nước, vì thế đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn trong việc đổi mới, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ để vừa đảm bảo tiến độ xử lý hồ sơ vừa đảm bảo an toàn tài chính ngân sách.

Theo kết quả khảo sát mức độ lần 2 năm 2023 với 6.140 đơn vị tham gia đánh giá, KBNN Hà Nội đạt mức độ hài lòng với tỷ lệ 96,04%, tăng 7 bậc so với đợt 1 năm 2023 và tăng 16 bậc so với năm 2022. Đặc biệt, chỉ số về thái độ công chức giải quyết TTHC đã tăng 8 bậc so với lần 1 năm 2023 và tăng 24 bậc so với năm 2022.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, qua đánh giá khảo sát đợt 1, KBNN Hà Nội xếp thứ 4/64 đơn vị tỉnh, thành phố và KBNN trên toàn quốc; tăng 18 bậc so với năm 2023.

Tuy nhiên, Giám đốc KBNN Hà Nội cho biết, kể từ năm 2020, việc triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đã làm thay đổi căn bản nhận thức và cách thức xử lý, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua KBNN của công chức kho bạc cũng như cán bộ công chức, viên chức các đơn vị SDNS. Đồng thời, việc chuyển đổi từ phương thức giao nhận thủ công sang giao dịch qua DVCTT đã rút ngắn thời gian xử lý công việc và TTHC, đặc biệt tiết kiệm chi phí cho các đơn vị SDNS.

Đến nay, KBNN Hà Nội đã cung cấp đươc 11/11 TTHC thực hiện qua DVCTT toàn trình đến các đơn vị SDNS, trong đó có 9/11 TTHC đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Do đó, toàn bộ hồ sơ giao dịch đã được KBNN Hà Nội tiếp nhận và giải quyết đúng hạn. Không có trường hợp nào đơn vị giao dịch phản ánh hoặc kiến nghị với KBNN Hà Nội về chất lượng dịch vụ hoặc thái độ phục vụ của công chức.

Đặc biệt, trong suốt thời gian qua, KBNN Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo an toàn trong công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN như: ứng dụng phần mềm kiểm soát từ xa để phát hiện và cảnh báo kịp thời các sai sót và triển khai cảnh báo số dư tài khoản qua điện thoại; thực hiện thanh tra chuyên ngành; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ dưới nhiều hình thức như trao đổi trực tiếp, gửi văn bản hoặc tổ chức thảo luận trên các diễn đàn nghiệp vụ.

Với các giải pháp đã thực hiện, KBNN Hà Nội đã giúp nguồn NSNN luôn được đảm bảo an toàn và đến được với các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn một cách nhanh nhất, kịp thời nhất.

Tỷ lệ khách hàng hài lòng tăng cao qua từng đợt khảo sát

Với những nỗ lực trong cải cách TTHC, đem đến cho khách hàng những điều kiện tốt nhất mỗi khi giao dịch với kho bạc, KBNN Hà Nội đã nhận về “phần thưởng” xứng đáng với sự đánh giá cao, hài lòng từ phía các khách hàng và đơn vị giao dịch.

Kho bạc Nhà nước Hà Nội đảm bảo an toàn tài chính ngân sách lên hàng đầu
Công chức KBNN Quận Thanh Xuân, Hà Nội thực hiện kiểm soát các chứng từ thanh toán vốn ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: H.T

Giám đốc KBNN Hà Nội cho biết, kể từ năm 2021, KBNN Hà Nội đã triển khai quy chế khảo sát, đánh giá sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của KBNN theo quy định của KBNN. Kết quả khảo sát hàng năm cho thấy, mức độ hài lòng của các đơn vị SDNS với KBNN Hà Nội ngày càng tăng.

Theo kết quả khảo sát mức độ lần 2 năm 2023 với 6.140 đơn vị tham gia đánh giá, KBNN Hà Nội đạt mức độ hài lòng với tỷ lệ 96,04%, tăng 7 bậc so với đợt 1 năm 2023 và tăng 16 bậc so với năm 2022. Đặc biệt, chỉ số về thái độ công chức giải quyết TTHC đã tăng 8 bậc so với lần 1 năm 2023 và tăng 24 bậc so với năm 2022. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, qua đánh giá khảo sát đợt 1, KBNN Hà Nội xếp thứ 4/64 đơn vị tỉnh, thành phố và KBNN trên toàn quốc; tăng 18 bậc so với năm 2023.

KBNN đặt ra mục tiêu đến năm 2030, mọi giao dịch qua hệ thống KBNN đều được số hóa. Bám sát mục tiêu này, Giám đốc KBNN Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ chuyển dần phương thức kiểm soát thanh toán sang phương thức kiểm tra nội bộ, kiểm toán nội bộ và thanh tra trong cơ chế quản lý rủi ro, quản lý giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các quận, huyện và các đơn vị sử dụng ngân sách. Theo đó, nhiều khoản chi NSNN qua KBNN sẽ được thực hiện theo phương thức thanh toán trước, kiểm soát sau và công tác hậu kiểm tiếp tục được KBNN Hà Nội tăng cường trong thời gian tới./.

Tạo thêm kênh thông tin gắn kết Kho bạc với khách hàng

Ngày 26/11, KBNN Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Phối hợp trong công tác quản lý NSNN giữa KBNN Hà Nội và đơn vị SDNS mở tài khoản tại KBNN Hà Nội”. Hội nghị đã thu hút gần 400 đại biểu là thủ trưởng, kế toán trưởng các đơn vị SDNS giao dịch tại KBNN Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc KBNN Hà Nội cho biết, thông qua hội nghị này, KBNN Hà Nội đã chia sẻ những cảnh báo về rủi ro trong quản lý tài chính ngân sách từ việc mở, sử dụng tài khoản, lập chứng từ, quản lý, chi tiền mặt, kiểm soát chi NS đến chuyển nguồn kinh phí cuối năm. Đây là nội dung quan trọng nhằm giúp thủ trưởng các đơn vị phòng ngừa các rủi ro pháp lý liên quan đến quản lý tài chính ngân sách trong bối cảnh và số lượng các vụ án kinh tế phức tạp ngày càng gia tăng, các hình thức gian lận ngày càng phổ biến, tinh vi.

Đồng thời, hội nghị cũng trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các TTHC liên quan đến nghiệp vụ KBNN và quản lý tài chính ngân sách của các đơn vị SDNS./.