Kho bạc Nhà nước: Không để việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Áp lực giải ngân rất lớn

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với vốn đầu tư công (ĐTC) tăng thêm 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.

Tiếp nhận hồ sơ đúng quy định và tận tình hướng dẫn

Với lượng vốn đầu tư công được giao và tăng thêm rất lớn, cùng lượng vốn của các năm trước chuyển sang nên áp lực đối với công tác kiểm soát chi của KBNN trong năm nay rất lớn.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, KBNN đã yêu cầu các đơn vị KBNN phải tiếp nhận đúng thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ theo quy định và phải hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư tận tình. Không được yêu cầu khách hàng bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quá một lần; không được sách nhiễu, gây phiền hà, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án.

Như vậy, tổng số vốn ĐTC cần phải được giải ngân trong năm 2025 lên tới 875.000 tỷ đồng. Trong khi, mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra vẫn là giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn. Đây là một áp lực rất lớn đối với cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Thực hiện mục tiêu này và để nguồn vốn được thanh toán nhanh, hiệu quả, KBNN đã yêu cầu sở giao dịch KBNN và các đơn vị KBNN tỉnh, thành phố tổ chức, chỉ đạo phòng kiểm soát chi và KBNN cấp huyện trực thuộc phối hợp với chủ đầu tư, cơ quan tài chính đồng cấp trong thực hiện nhập, phê duyệt kế hoạch vốn vào TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) theo quy định, làm cơ sở để triển khai, thực hiện, kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Các đơn vị KBNN phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc đẩy mạnh giao dịch điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN, kịp thời thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành của các dự án, tránh tình trạng có khối lượng hoàn thành nhưng chưa thể thực hiện thanh toán. Ngoài ra, tuân thủ đúng quy định về hồ sơ, về kiểm soát thanh toán và quyết tâm, phấn đấu thời hạn giải quyết hồ sơ sớm hơn thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, KBNN cũng yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tổng hợp, báo cáo, đề xuất kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân hoặc đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC.

Đặc biệt, KBNN đã lưu ý các đơn vị KBNN trong quá trình kiểm soát thanh toán vốn ĐTC phải kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, phải khẩn trương tổng hợp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Ngoài ra, KBNN cũng yêu cầu các đơn vị KBNN thực hiện đối chiếu số liệu giải ngân vốn ĐTC hàng ngày giữa các hệ thống TABMIS, ĐTGD-KB (Chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư) và Chương trình tổng hợp báo cáo để chuẩn xác, thống nhất số liệu hàng ngày. Các đơn vị KBNN phải quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, thanh toán vốn ĐTC đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng thời gian theo quy định. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu và chất lượng báo cáo hàng ngày, báo cáo định kỳ hàng tháng của đơn vị.

Đảm bảo “dòng chảy” ngân sách không ngắt quãng

Theo báo cáo từ KBNN, những tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương thường tập trung phân bổ chi tiết vốn cho các dự án, công trình. Hơn nữa, các công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng nghiệm thu, thanh toán vốn. Do đó, ước đến hết tháng 2, cả nước mới giải ngân được trên 60.423 tỷ đồng.

Như vậy, số vốn còn lại cần phải giải ngân đang rất lớn. Trong khi đó, KBNN đang thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, từ 63 đơn vị KBNN cấp tỉnh, thành phố được sắp xếp, cơ cấu thành 20 đơn vị KBNN khu vực.

Do đó, KBNN đã tiếp tục đề ra giải pháp từ nay đến cuối năm đó là luôn sẵn sàng nguồn vốn và sẵn sàng giải ngân khi hồ sơ thanh toán đầy đủ theo đúng quy định. Đồng thời, KBNN yêu cầu tất cả cán bộ làm công tác kiểm soát chi trong toàn hệ thống nâng cao trách nhiệm hơn nữa, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời ngay khi hồ sơ thanh toán vốn được gửi tới kho bạc. Tuân thủ đúng quy định về hồ sơ, về kiểm soát thanh toán và quyết tâm, phấn đấu thời hạn giải quyết hồ sơ sớm hơn thời hạn giải quyết hồ sơ quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn ĐTC.

Ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN cho biết, với quy định đảm bảo “dòng chảy” ngân sách không bị ngắt quãng, KBNN đã hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ mới phù hợp với cơ cấu bộ máy mới. Khi bộ máy mới đi vào hoạt động, toàn bộ cơ sở dữ liệu cũng được chuyển đổi, bảo đảm có thể thực hiện ngay nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn cả trong chi đầu tư và chi thường xuyên.

Đặc biệt, ông Hà cho biết, với việc triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến của KBNN từ năm 2018 đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, nhà thầu không phải đến trực tiếp Kho bạc để giao dịch. Thay vào đó, toàn bộ hồ sơ, chứng từ thanh toán vốn được đẩy lên dịch vụ công trực tuyến vừa đảm bảo công khai minh bạch, vừa kiểm soát, thanh toán tiện lợi. “Do đó, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống KBNN sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ĐTC” - ông Hà khẳng định.

Tiếp tục vận hành hệ thống dịch vụ công ổn định phục vụ công tác giải ngân

Một trong những cải cách quan trọng mang đến hiệu quả cao trong công tác kiểm soát chi vốn đầu tư công (ĐTC) đó là triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đến tất cả chủ đầu tư (trừ các đơn vị thuộc khối an ninh, quốc phòng).

Giao dịch điện tử qua DVCTT không chỉ giúp các đơn vị giao dịch tiết kiệm thời gian chi phí quản lý hành chính mà còn giúp KBNN giảm lượng lớn hồ sơ, chứng từ giấy lưu tại kho bạc; rút ngắn thời gian kiểm soát chi vốn ĐTC của KBNN. Đặc biệt, DVCTT giúp công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của KBNN cũng như quá trình gửi hồ sơ của chủ đầu tư.

Trong thời gian tới, KBNN tiếp tục gia tăng các tiện ích trên DVCTT và vận hành ổn định hệ thống, giúp công tác giải ngân vốn ĐTC ngày càng thuận lợi, nhất là trong bối cảnh mới khi 63 KBNN tỉnh, thành phố chuyển thành 20 KBNN khu vực.