Cải cách, hiện đại hóa tất cả các nghiệp vụ
Ông Trần Quang Nguyên - Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Lạng Sơn cho biết, để phục vụ tốt nhất cho khách hàng giao dịch, KBNN Lạng Sơn đã thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý, cũng như sắp xếp tinh gọn bộ máy và tăng tính minh bạch trong quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ NSNN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ kho bạc.
Công chức KBNN Lạng Sơn đang thực hiện đối soát dữ liệu thanh toán vốn trên DVCTT. Ảnh: H.T |
Thời gian qua, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử. Để triển khai tốt nghiệp vụ này trên địa bàn tỉnh, KBNN Lạng Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động để các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) hiểu được những lợi ích của DVCTT mang lại và tạo thói quen giao dịch điện tử cho các đơn vị SDNS.
Đến thời điểm này, 100% các đơn vị SDNS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đăng ký tham gia DVCTT (trừ khối an ninh, quốc phòng và các tổ chức, các hội biên chế ít và không quan hệ thường xuyên với NSNN). Tỷ lệ hồ sơ chứng từ qua DVCTT đã tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2019, hồ sơ phát sinh trên DVCTT mới chiếm tỷ lệ 9% trong tổng số hồ sơ gửi đến KBNN; năm 2020, kết quả hồ sơ gửi qua DVCTT đã đạt mốc 95% và năm 2022 là 100%.
Đến thời điểm hiện tại, tổng số thu tiền mặt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã giảm 52,8% và tổng chi tiền mặt giảm 79% so với cùng kỳ năm 2021. |
Theo Giám đốc KBNN Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp tục tuyên truyền đến các đơn vị SDNS việc quản lý chứng thư số trong giao dịch điện tử với kho bạc và thực hiện cài đặt, sử dụng chương trình cảnh báo rủi ro của KBNN trên thiết bị di động để giám sát các khoản chi NSNN của đơn vị SDNS, kịp thời phát hiện và thông báo cho KBNN các khoản chi bất thường, tăng tính công khai, minh bạch trong công tác kiểm soát chi.
Thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của KBNN, KBNN Lạng Sơn đã phối hợp với các cơ quan thu và các ngân hàng thương mại (NHTM) tổ chức thu và trao đổi thông tin qua chương trình hiện đại hóa thu ngân sách của kho bạc (TSC). Đồng thời, KBNN Lạng Sơn đã áp dụng các hình thức thu nộp NSNN văn minh, hiện đại như ủy nhiệm thu NSNN cho 9 hệ thống NHTM trên địa bàn; phối hợp với cơ quan Công an và Bưu điện triển khai phối hợp thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua hệ thống bưu điện từ tỉnh đến huyện, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp phạt được lựa chọn nhiều kênh nộp phạt.
Ngoài ra, KBNN Lạng Sơn còn tích cực tuyên truyền đến khách hàng thực hiện thanh toán qua tài khoản thẻ ATM, Internet, thực hiện chi trả các khoản tiền mặt tại NHTM nơi KBNN mở tài khoản đối với các đơn vị thanh toán giá trị từ 1 trăm triệu đồng trở lên trong 1 lần giao dịch. Theo ông Nguyên, hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ còn đơn vị quan đội, an ninh cần bảo mật thông tin và 1 tổ chức đơn lẻ, vùng khó khăn chưa thực hiện giao dịch qua tài khoản ATM.
Với sự nỗ lực này, đến thời điểm hiện tại, tổng số thu tiền mặt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã giảm 52,8% và tổng chi tiền mặt giảm 79% so với cùng kỳ năm 2021.
Góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư
Ông Trần Quang Nguyên cho biết, trước tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh còn thấp, KBNN Lạng Sơn đã tích cực, chủ động làm tốt công tác tham mưu các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn. Đồng thời, KBNN Lạng Sơn đã phối hợp với cơ quan tài chính thực hiện tốt công tác đối chiếu, báo cáo số dư dự toán và số dư tạm ứng chuyển sang năm sau, tổng hợp báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình và kết quả giải ngân vốn đầu tư công hàng tuần, tháng; cung cấp số liệu kịp thời phục vụ công tác kiểm toán.
Thực hiện công khai kết quả giải ngân chi tiết từng dự án, từng chủ đầu tư qua hòm thư điện tử dùng chung. Tuyên truyền, vận động các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tăng cường giao nhận hồ sơ kiểm soát chi qua DVCTT của KBNN nhằm rút ngắn thời gian kiểm soát, thanh toán và công khai, minh bạch trong kiểm soát chi, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư đồng thời tiết kiệm chi phí đi lại giao nhận hồ sơ thủ công như trước đây.
KBNN Lạng Sơn góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. ảnh: H.T |
Theo báo cáo từ KBNN Lạng Sơn, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến ngày 15/11/2022 là 2.087 tỷ đồng, đạt trên 63% so với kế hoạch thủ tướng Chính phủ giao (trên 3.340 tỷ đồng) và đạt 54% kế hoạch vốn địa phương giao (trên 3.815 tỷ đồng).
KBNN Lạng Sơn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của hệ thống KBNN trên các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức giao dịch với KBNN. |
Đặc biệt, theo ông Nguyên, KBNN Lạng Sơn đã làm rất tốt công tác thu hồi tạm ứng vốn đầu tư khi thường xuyên tổ chức họp giao ban giữa các chủ đầu tư và Trung tâm phát triển quỹ đất các huyện còn tồn đọng tiền tạm ứng chưa giải quyết được để lập phương án tháo gỡ vướng mắc. Kết quả từ đầu năm đến nay, KBNN Lạng Sơn đã thực hiện thu hồi được 352,5 tỷ đồng vốn tạm ứng, trong đó có 253,6 tỷ đồng vốn tạm ứng quá hạn.
Để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng, ông Nguyên cho biết, KBNN Lạng Sơn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của hệ thống KBNN trên các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức giao dịch với KBNN.
Đồng thời, KBNN Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, hình thành kho bạc số. Triển khai thực hiện tốt DVCTT cho các đơn vị SDNS, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng, chủ động, thường xuyên, định kỳ cảnh báo rủi ro trong hoạt động giao dịch giữa đơn vị thụ hưởng NSNN với KBNN, đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số, thanh toán điện tử từ các đơn vị thụ hưởng NSNN./.