Bước khởi đầu điện tử hóa công tác kiểm tra, giám sát

Kho bạc Nhà nước (KBNN) chính thức triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) từ năm 2018. Đến nay đã có khoảng 100 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) với số người dùng lên tới gần 400 nghìn người, đạt 100% các đơn vị giao dịch với KBNN (trừ khối an ninh quốc phòng) và trên 99,5% hồ sơ kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN). Hàng năm, khoảng 20 triệu chứng từ chi NSNN được thực hiện qua DVCTT. Việc cung cấp DVCTT đã giúp cho các hoạt động của KBNN công khai, minh bạch, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác kiểm soát chi NSNN. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân giao dịch với KBNN, DVCTT đã mang lại lợi ích trong việc giảm thiểu về thủ tục hành chính, giảm thời gian giao dịch và tiết kiệm chi phí đi lại.

Từ cuối năm 2020, KBNN đã triển khai Tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Thông qua tiện ích này, công chức thanh tra, kiểm tra trong toàn hệ thống được cấp tài khoản người dùng (user) có quyền tra cứu dữ liệu chương trình DVCTT nhằm phát hiện những vấn đề bất thường để cảnh báo cho lãnh đạo đơn vị có biện pháp xử lý; đồng thời phục vụ tích cực, hiệu quả cho việc xây dựng kế hoạch và tiến hành các cuộc kiểm tra.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và trên cơ sở nguồn dữ liệu tập trung, từ tháng 10/2021, KBNN đã thực hiện giám sát từ xa toàn bộ quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi trên DVCTT trong toàn hệ thống. Cụ thể là giám sát việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ trên DVCTT đảm bảo không muộn hơn 8 giờ làm việc, theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ; giám sát hồ sơ thanh toán qua DVCTT bị trả lại nhiều lần; giám sát hồ sơ quá hạn xử lý theo quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra KBNN cho biết, việc khai thác DVCTT để phục vụ công tác kiểm tra giám sát là cách làm mới trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của toàn hệ thống, là bước khởi đầu thực hiện điện tử hóa công tác kiểm tra, giám sát, hướng tới kiểm tra theo phương thức điện tử, phù hợp với lộ trình thực hiện KBNN điện tử, hướng tới KBNN số.

Tiếp tục nâng cấp chương trình phục vụ giám sát từ xa

Theo báo cáo từ KBNN, qua gần 1 năm thực hiện giám sát từ xa trên DVCTT, số lượng hồ sơ quá hạn tiếp nhận giảm 90%; hồ sơ quá hạn xử lý giảm 85%, hồ sơ từ chối nhiều lần (quá 2 lần) giảm 57%. Kết quả giám sát từ xa tình hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi qua KBNN đã giúp cho lãnh đạo KBNN các cấp có những giải pháp, biện pháp chấn chỉnh kịp thời, khắc phục và nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính kiểm soát chi thông qua DVCTT tại đơn vị. Đây cũng là căn cứ để KBNN kiểm tra thường xuyên và đột xuất KBNN các cấp. Đồng thời, đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ đối với công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi.

Đặc biệt, ông Tuấn cho biết, với việc giám sát từ xa này, KBNN tin tưởng sẽ có sự chuyển biến tích cực về chất lượng phục vụ các đơn vị SDNS và các chủ đầu tư, ban quản lý.

Kho bạc Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra nội bộ

Thời gian tới, Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ tăng cường kiểm tra nội bộ; xây dựng và vận hành hệ thống giám sát từ xa các hoạt động nghiệp vụ. Đặc biệt, KBNN sẽ từng bước chuyển từ phương thức kiểm tra thủ công trực tiếp tại trụ sở KBNN là đối tượng được kiểm tra sang thực hiện kiểm tra, giám sát từ xa theo phương thức điện tử; hướng tới triển khai thực hiện kiểm toán nội bộ KBNN…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch và thực hiện đúng các quy định liên quan đến tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính kiểm soát chi NSNN qua KBNN trên DVCTT, thời gian tới đây, KBNN sẽ kiên quyết từ chối các đơn vị gửi thiếu hoặc thừa hồ sơ theo quy định. Đồng thời, KBNN sẽ tiếp tục thực hiện đánh giá chất lượng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục kiểm soát chi đối với từng giao dịch viên, kế toán trưởng tham gia quy trình xử lý hồ sơ trên DVCTT.

Theo ông Đinh Mạnh Tuấn, KBNN sẽ coi việc giám sát từ xa là công cụ để quản lý hoạt động tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính kiểm soát chi qua KBNN. KBNN cũng triển khai giám sát thường xuyên, liên tục và có biện pháp, giải pháp giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Bên cạnh đó, KBNN sẽ thực hiện nâng cấp chương trình Tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đồng thời, KBNN xây dựng quy chế giám sát từ xa hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi NSNN để điều chỉnh, phân cấp, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong công tác giám sát từ xa.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, việc giám sát từ xa đòi hỏi cán bộ phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Theo đó, tới đây, KBNN sẽ tiếp tục đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giao dịch viên trong toàn hệ thống; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nội dung giám sát để việc giám sát toàn diện và đạt chất lượng, hiệu quả hơn nữa.