ty gia

Khả năng giảm giá VND được xét đến như một trong những giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu cho hàng hoá Việt Nam.

Điều này góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nhưng lại gây khó cho nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu có mức tăng rất chậm so với những năm trước.

Xuất khẩu tăng yếu, băn khoăn giá trị đồng tiền

Từ đầu năm đến nay, các biến động trên thị trường tiền tệ thế giới chịu tác động chủ yếu từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các đòn trả đũa của hai bên và động thái giảm giá đồng Nhân dân tệ (CNY) của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng có xu hướng mạnh tay nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Đầu tháng 8, CNY lần đầu tiên giảm dưới mốc 7 CNY đổi 1 USD kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngày 22/8, tỷ giá USD/CNY thiết lập đáy mới khi CNY giảm giá 0,15% so với USD, về mức 7,074 CNY đổi được 1 USD.

Để kích thích nền kinh tế hơn nữa, Trung Quốc vừa bơm ra 400 tỷ CNY (tương đương 56,9 tỷ USD) kỳ hạn 1 năm, lãi suất 3,3%/năm nhằm hỗ trợ vốn để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời bơm qua thị trường mở khoảng 130 tỷ CNY (tương đương 18 tỷ USD).

Từ phía Mỹ, quốc gia này tuyên bố ủng hộ Brexit không thỏa thuận và sẽ đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại với Anh đã hãm lại đà giảm của đồng Bảng Anh (GBP). Các đồng tiền của châu Âu đều giảm giá đáng kể so với USD, điển hình như đồng EUR, tính từ đầu năm tới nay, EUR đã mất giá khoảng 3,3% so với USD.

Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND ổn định từ đầu năm đến nay. Nguồn cung ngoại tệ giai đoạn tới được dự báo vẫn khả quan nhờ các giao dịch bán vốn cổ phần, cán cân thương mại thặng dư, triển vọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tích cực và sắp đến mùa kiều hối cuối năm.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay liên tục tăng trưởng ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ, còn mức tăng của 7 tháng đầu năm 2018 là 15,3%.

Do đó, việc giảm giá VND được xét đến như một trong những giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu cho hàng hoá Việt Nam. Chia sẻ quan điểm về điều này, ông Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng nói: “Cần giảm giá VND hơn nữa để giảm áp lực với giá cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi các đồng tiền khác trên thế giới có xu hướng giảm giá”.

Ổn định vĩ mô, tránh bị gắn mác thao túng tiền tệ

Không hẳn đồng tình với quan điểm nên giảm giá VND, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, cần theo dõi và đánh giá cụ thể hơn trước khi đưa ra quyết định về tỷ giá. Bởi lẽ, VND giảm giá thì giá bán hàng xuất khẩu có thể giảm, phần lớn nguyên liệu đầu vào của hàng hoá Việt Nam được nhập khẩu từ nước khác, do đó, nếu giá thành rẻ mà không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu thì cũng không hẳn là có lợi.

Bên cạnh đó, một yếu tố bất lợi có thể xảy ra khi giảm giá VND là nguy cơ Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Ngày 5/8, Mỹ đã quy kết Trung Quốc vào danh sách này. Trước đó, Mỹ đã xếp Việt Nam trong danh sách theo dõi về khả năng thao túng tiền tệ.

Thuật ngữ “quốc gia thao túng tiền tệ" được Bộ Tài chính Mỹ định nghĩa là một quốc gia cố ý điều chỉnh tỷ giá để tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế. Theo tiêu chí quy định đã được điều chỉnh của Mỹ, một đối tác thương mại bị coi là thao túng tiền tệ nếu thặng dư thương mại ít nhất 20 tỷ USD với Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP và thị trường ngoại hối luôn chịu sự chi phối một chiều.

gia

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, hiện tại, Việt Nam không bị Mỹ "gắn mác" thao túng tiền tệ song đã ở trong danh sách 21 nước thuộc diện theo dõi và cũng là quốc gia có khả năng bị chuyển sang nhóm các nước thao túng tiền tệ, do Việt Nam đã chạm hai ngưỡng là cán cân thương mại với Mỹ thặng dư trên 20 tỷ USD và thặng dư tài khoản vãng lai trên 2% GDP. Đây là rủi ro đối với Việt Nam trong những lần rà soát tiếp theo của Bộ Tài chính Mỹ (mà gần nhất là tháng 9/2019).

TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý; cần thực hiện linh hoạt và cần giải trình với Mỹ việc điều hành tỷ giá trong thời gian qua là phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.

Đặc biệt, Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, không để bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh tiền tệ nếu có và không nên phá giá đồng tiền vì điều chỉnh tỷ giá liên quan đến nhiều mặt của nền kinh tế (không chỉ liên quan đến xuất khẩu, mà còn nhập khẩu, nợ nước ngoài, áp lực lạm phát…) và có thể tăng rủi ro bị Mỹ “gắn mác” thao túng tiền tệ.

Thay vào đó, Việt Nam cần kiên định chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, kết hợp với truyền thông một cách hiệu quả nhằm kiểm soát yếu tố tâm lý, rủi ro lan truyền.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Ít có khả năng Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ. Trước hết, quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện chính sách tỷ giá thận trọng trong thời gian qua, bằng chứng là tỷ giá USD/VND biến động không đáng kể từ đầu năm đến nay”.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do Mỹ “châm ngòi” không đơn thuần về khía cạnh ngoại thương mà nhiều khả năng là định hướng chính trị của Tổng thống Donald Trump trước thềm cuộc tranh cử năm nay. Điều này lại không xảy ra với Việt Nam. “Dù vậy, phải rất cẩn thận với việc hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và gian lận xuất xứ để tìm đường sang Mỹ. Nếu việc này xảy ra nhiều thì có nguy cơ Mỹ quay trở lại trừng phạt Việt Nam. Đây là vấn đề đáng quan ngại hơn là tỷ giá USD/VND” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, không để bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh tiền tệ nếu có và không nên phá giá. đồng tiền vì điều chỉnh tỷ giá liên quan đến nhiều mặt của nền kinh tế (không chỉ liên quan đến xuất khẩu, mà còn nhập khẩu, nợ nước ngoài, áp lực lạm phát...) và có thể tăng rủi ro bị Mỹ “gắn mác” thao túng tiền tệ.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV

Thanh An