Khởi sắc về giá nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe
Khởi sắc về giá nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Ảnh: TL

Giá trị xuất khẩu gạo tăng hơn 30%

Mặc dù tình hình thế giới dự báo khá khó khăn nhưng các doanh nghiệp gạo Việt Nam cho biết, đến cuối quý I/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam khởi sắc trở lại khi nguồn cung của thị trường dồi dào. Trong khi đó, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, đang chịu sức ép về giá khi đồng Baht tăng làm giảm lợi nhuận của các nhà phân phối ở nước ngoài. Do đó, nhiều đối tác có thể tìm nguồn hàng mới từ Việt Nam để tối ưu lợi nhuận. Hiện, gạo Việt có nhiều lợi thế về chất lượng và giá ở thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 tuy giảm 19,3% về khối lượng, nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng trong tháng 3, xuất khẩu gạo ước đạt 900 nghìn tấn, trị giá 480 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD, tăng tới 68,3% về lượng và tăng 67,6% về trị giá so với tháng trước; đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 69,3% về lượng và 82,3% về trị giá.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng lượng gạo hàng hóa dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,124 triệu tấn; trong đó, xuất khẩu gạo tháng 1 là 390.000 tấn. Do đó, tiêu thụ gạo hàng hóa 5 tháng còn lại cần đạt là 3,73 triệu tấn, chưa kể lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ và lượng lúa từ Campuchia chảy về Việt Nam.Thời điểm lượng gạo hàng hóa cần tập trung xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm là tháng 2 đến tháng 4.

Cùng với sự gia tăng về nhu cầu, giá gạo xuất khẩu cũng đang đứng ở mức khá cao với bình quân 533 USD/tấn trong tháng 3, giảm 0,5% so với tháng 2 nhưng tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung quý I, giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 531 USD/tấn, tăng 9,2% (45 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng nhận định, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng tăng lên. Tính đến cuối tháng 3 giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động trong khoảng 468 – 472 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với cuối tháng trước; giá gạo Jasmines cũng tăng khoảng 10 USD/tấn lên 548 – 552 USD/tấn. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện đang giao dịch ở mức 480 – 484 USD/tấn, tăng 27 USD/tấn so với tháng trước.

Khởi sắc về giá nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật. Ảnh: TL

Đối tác nhập khẩu gạo ngày càng khắt khe hơn trong các tiêu chuẩn

Thông tin tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT, tổ chức ngày 4/4/2023, với chủ đề “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”, đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, xuất khẩu gạo năm 2023 có nhiều cơ hội khi nhiều thị trường truyền thống tăng cường dự trữ. Tuy nhiên, các đối tác nhập khẩu gạo của Việt Nam lại ngày càng khó tính, khắt khe hơn trong các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

“Mỗi thị trường có yêu cầu, đặc thù riêng tuy nhiên có điểm chung là yêu cầu về chất lượng khắt khe hơn và giá cần gia tăng tính cạnh tranh. Đến thời điểm hiện tại, các đơn hàng vừa và nhỏ cũng được yêu cầu hóa đơn đỏ của giống mua” - đại diện Vinafood 1 cho biết.

Xuất khẩu 10 container gạo ST25 sang đảo quốc Vanuatu

10 container gạo ST25 vừa được kết nối xuất khẩu sang Vanuatu, qua đó mở ra cơ hội xuất khẩu hàng nghìn tấn gạo mỗi năm sang đảo quốc này. Cùng với đó, Indonesia vừa đưa ra quyết định nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, tạo nhiều cơ hội cho gạo Việt tăng tốc xuất khẩu tại thị trường này.

Vì vậy, doanh nghiệp này cho rằng, những đơn vị sản xuất đại điền theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm… sẽ có lợi thế trong cuộc chơi này.

Ở một góc độ khác, bà Trần Thị Trà - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, cũng cho rằng cần xây dựng thương hiệu trong xuất khẩu gạo. Thương hiệu gạo chính là đầu ra của các sản phẩm lúa gạo từ mô hình đại điền. “Phát triển thương hiệu gạo, đặc biệt cho xuất khẩu mà không có quy mô sản xuất lớn sẽ rất khó thành công”- bà Trần Thị Trà chia sẻ

Các chuyên gia nhận định, ngành hàng gạo tiếp tục là trụ cột để giúp ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu cán đích kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD trong năm 2023. Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do./.

Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức cao, giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.