bo ct

Đại diện Bộ Công thương tại họp báo. Ảnh: T.U

Không tăng giá điện trong năm 2021

Trình bày tại họp báo, ông Trần Tuệ Quang – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, công tác điều hành giá bán điện trong thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định của Luật Điện lực nên việc điều tiết giá điện hiện nay được thực hiện minh bạch và rõ ràng.

Đồng thời theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan của các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện của tất cả các khâu trong ngành điện, bao gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, quản lý ngành. Còn cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trong năm theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện.

Đáng chú ý, trả lời báo giới về vấn đề liên quan điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trước hết Bộ Công thương sẽ làm việc cụ thể, trực tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và sẽ hết sức chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. "Trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất bị đình trệ, mặc dù nhiều yếu tố có tác động đến giá thành sản xuất điện song Bộ Công thương không nghĩ đến chuyện sẽ tăng giá điện trong năm nay", ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, trả lời về vấn đề đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT (giá cố định) cho những dự án điện gió chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, hiện có 106 dự án điện gió sẽ vận hành thương mại, để kịp hưởng giá FIT theo Quyết định 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có 54 dự án thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ Công thương và hiện có 34 dự án đã nhận hồ sơ để tiến hành công tác nghiệm thu.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư cho biết không kịp tiến độ để hưởng giá FIT do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện Bộ Công thương đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về các dự án điện gió trong thời gian tới, với hướng phù hợp quy định. Trong tương lai, lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu. Còn các dự án trong cơ chế xây dựng, xem xét các tình huống dự án dở dang, không kịp đưa vào vận hành trước 31/10 tới thì có cơ chế để xử lý trên nguyên tắc là chi phí vốn đầu tư, bảo dưỡng, kỹ thuật nhà máy để thương thảo giá mua điện.

Nghiên cứu để giảm giá xăng

Liên quan đến việc đề xuất giảm giá xăng của doanh nghiệp, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, đơn vị luôn bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, điều hành thị trường xăng dầu, đảm bảo nguồn cung, sử dụng công cụ bình ổn giá phù hợp để quản lý giá nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, giúp đóng góp và kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay giá xăng dầu thế giới đang diễn biến theo hướng tăng do nhu cầu trên thế giới đã tăng trở lại. Do đó, việc giảm giá xăng trên thị trường thế giới là rất khó, trong khi đây là yếu tố quan trọng để tác động đến giá xăng dầu trong nước.

Do đó, trước chỉ đạo của Thủ tướng về việc xem xét giảm giá xăng, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tính toán các yếu tố, dư địa có thể khai thác để giảm giá xăng. Liên bộ đã trao đổi, tính toán các biện pháp, công cụ có thể vận dụng để thực hiện, như nắm bắt số dư quỹ bình ổn, nguồn cung ứng xăng dầu của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, giảm thuế...

Về câu chuyện này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, với diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng do nhu cầu sử dụng năng lượng tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, sẽ vừa có tác động hai chiều tới nền kinh tế. Cụ thể, đối với doanh nghiệp khai thác dầu thô sẽ được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng, mang lại nguồn thu cho đất nước. Ngược lại, do nước ta vẫn phải nhập khẩu dầu để chế biến các sản phẩm xăng dầu nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp bởi đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.../.

Tố Uyên