Đã có nhiều ưu đãi về thuế

Năm 2020, Việt Nam đã đệ trình Bản đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cam kết giảm 9% lượng phát thải vào năm 2030. Tại Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cũng cam kết trở thành quốc gia có phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khuyến nghị tăng cường khung pháp lý xanh để đảm bảo nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn là xương sống trong khả năng cạnh tranh quốc tế, qua đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đảm bảo tính bền vững và hỗ trợ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng. Tiểu ban Phát triển xanh của EuroCham đưa ra một số khuyến nghị, chẳng hạn như cải thiện quản lý nước và chất thải, thúc đẩy các công trình xanh trên toàn quốc và ưu tiên điện gió ngoài khơi.

Cũng theo EuroCham, để đạt được các cam kết và mục tiêu về phát thải, cần phát triển các phương tiện xanh, trong đó việc phát triển xe điện (EV) hiện là giải pháp chiến lược. Tuy xe điện giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở các thành phố nhưng chi phí sản xuất lại cao hơn so với xe dùng động cơ đốt trong. Vì vậy, EuroCham cho rằng, để nhanh chóng chuyển sang sử dụng phương tiện xanh, Bộ Tài chính nên miễn thuế nhập khẩu đối với xe điện và xe lai điện hybrid nhập khẩu nguyên chiếc cho các dự án thí điểm, cũng như các bộ thiết bị CKD, nguyên liệu thô và thiết bị sản xuất được nhập khẩu để sản xuất và lắp ráp xe điện.

Trả lời khuyến nghị của EuroCham xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, về ưu đãi thuế tăng trưởng xanh, gọi chung là “khung xanh”, chính sách thuế hiện hành đã có tương đối đầy đủ. Trong đó, đã có những văn bản chính sách nhằm hạn chế gây tác động gây ô nhiễm môi trường, ví dụ thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường; các loại phí như phí khí thải. Về phí khí thải, ông Hưng cho biết, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng dự thảo chính sách này và thời gian tới sẽ có dự thảo xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp.

Nguồn: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ
Nguồn: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Hưng cho biết, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện cũng như xe lai điện hybrid, pháp luật hiện hành của Việt Nam đã có. Luật số 27 năm 2008, Luật số 70 năm 2014 và mới nhất là luật sửa các luật về thuế cũng đã có nghị định về thuế suất ưu đãi đối với xe điện và xe hybrid . “Tuy nhiên, theo chương trình xây dựng pháp luật được giao thì trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có nội dung về ưu đãi với xe hybrid. Đây là những chính sách mới nên cần phải có thật nhiều kinh nghiệm quốc tế, nên mong các doanh nghiệp đóng góp thêm ý kiến cho vấn đề này trong thời gian tới vì ban hành chính sách phải có sự phản biện, nếu không thì không thể đi vào cuộc sống được” - ông Hưng nhấn mạnh.

Tăng cường khung pháp lý xanh

Bên cạnh vấn đề về thuế suất ưu đãi, các doanh nghiệp châu Âu cũng khuyến nghị một số nội dung liên quan tới tăng cường khung pháp lý xanh. Theo EuroCham, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Á, ở mức 41,5% vào tháng 9/2022 với 888 khu đô thị. Mặc dù ngành xây dựng là một trong những ngành chính gây ra sự nóng lên toàn cầu và gây ô nhiễm môi trường lớn nhất, nhưng số lượng công trình xanh được công nhận ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Tiểu ban Tăng trưởng xanh của EuroCham bày tỏ hy vọng khung pháp lý hiện hành sẽ có thêm nhiều ưu đãi hơn cho các nhà phát triển công trình bền vững.

Đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển phương tiện xanh

Đề xuất các chính sách hỗ trợ cho bước chuyển mình sang phát triển phương tiện xanh tại Việt Nam, Tiểu ban ô tô- xe máy của EuroCham khuyến nghị Chính phủ, trước tiên, hỗ trợ các nhà đầu tư tư nhân ban đầu bằng các ưu đãi tài chính cho mạng lưới trạm sạc cung cấp sạc nhanh công suất cao để đảm bảo khả năng tiếp cận, phủ sóng, khả năng tương tác và thị trường lớn; thứ hai là cung cấp cho chủ sở hữu EV những lợi ích cụ thể được quyết định ở cấp thành phố như phí cầu đường miễn phí, bãi đậu xe dành riêng và VIP, lối đi mở vào trung tâm thành phố.

Ngoài ra, tiểu ban này cũng đề xuất cho rằng, Chính phủ nên khuyến khích tất cả người tiêu dùng điện đầu tư vào hiệu quả năng lượng để giảm tổng mức tăng trưởng tiêu thụ bằng cách tối đa hóa sự đóng góp của năng lượng mặt trời, sinh khối, thủy điện nhỏ, gió và điện gió ngoài khơi trong hệ thống năng lượng. Tiếp đó, tiểu ban này cũng đặc biệt khuyến nghị Chính phủ tiếp tục thực thi nghiêm ngặt các quy định về quản lý chất thải, thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn....

“Trong giai đoạn chuyển đổi sang một tương lai xanh và bền vững này, tôi rất kỳ vọng vào sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân. EuroCham và Tiểu ban tăng trưởng Xanh của chúng tôi sẽ tiếp tục là những người hỗ trợ mạnh mẽ nhất để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu trong quá trình chuyển đổi năng lượng và tạo ra môi trường sống xanh hơn” - ông Antony Taing (Tiểu ban Tăng trưởng xanh của EuroCham) cho biết.

Xây dựng dự thảo luật về thuế tiêu thụ đặc biệt trên nguyên tắc tuân thủ các cam kết quốc tế

Trong Sách Trắng 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) đã khuyến nghị một số vấn đề liên quan tới thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh của EuroCham kêu gọi duy trì tính ổn định và khả năng dự đoán của hệ thống thuế TTĐB trong thời gian ngắn và trung hạn để đảm bảo ngân sách nhà nước và các mục tiêu chính sách công của Chính phủ, cũng như thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành rượu vang và rượu mạnh. Bên cạnh đó, tiểu ban này cũng khuyến nghị thực hiện việc kiểm tra, phát triển và áp dụng hệ thống thuế TTĐB hỗn hợp cho ngành rượu vang và rượu mạnh khi thuế TTĐB được cải cách.

Theo Tiểu ban Sản phẩm dinh dưỡng và sữa công thức, Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc áp thuế TTĐB đối với các đồ uống có đường. Mục tiêu của thuế TTĐB là để hạn chế việc tiêu thụ sản phẩm không có lợi cho sức khỏe hay hàng xa xỉ. Tuy nhiên, trong đồ uống có nhiều nhóm sản phẩm có lợi cho sức khỏe như sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em, sữa và sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho các đối tượng đặc biệt, si-rô thuốc… Vì vậy, tiểu ban này khuyến nghị không áp thuế TTĐB đối với các đồ uống có đường, đặc biệt là các sản phẩm dùng để cung cấp dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe.

Trả lời các kiến nghị này, ông Nguyễn Thành Hưng - Vụ Phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, về đồ uống có đường, phải căn cứ trên những nghị quyết trực tiếp của Đảng, của Chính phủ. Mặt hàng nào thuộc đối tượng ưu đãi thì khi xây dựng dự thảo sẽ có sự thảo luận với sự tham gia của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm tiếp thu, giải trình. Ưu đãi chung cho tất cả chứ không phải chỉ riêng doanh nghiệp A hay doanh nghiệp B.

Về về quy định thuế suất TTĐB đối với rượu, ông Hưng cho biết, đây là chính sách áp dụng chung, không phân biệt rượu sản xuất trong nước hay rượu nhập khẩu, tuân thủ các nguyên tắc không phân biệt đối xử với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Việc áp dụng thì trên thế giới hiện nay có 3 cách thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này: áp dụng theo tỷ lệ phần trăm, thu theo tuyệt đối và hỗn hợp. Tùy theo tính chất và cách áp dụng của từng nước thì sẽ có phương án đưa ra khác nhau. “Chúng tôi đang tổng hợp ý kiến của các bộ ngành để báo cáo lên Chính phủ. Khi có dự thảo luật, Bộ Tài chính sẽ xin ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp để luật đi vào cuộc sống”- ông Hưng thông tin.