Người dân phải “buộc bụng” vì giá hàng hóa tăng

Trước áp lực của giá thị trường thế giới, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu, từ 15h ngày 1/6/2022. Theo đó, xăng E5RON92 tăng 602 đồng/lít so với giá bán hiện hành, giá bán ra 30.235 đồng/lít; xăng RON95 tăng 921 đồng/lít so với giá hiện hành, giá bán ra không cao hơn 31.578 đồng/lít. Đây lần tăng giá thứ 5 kể từ ngày 21/4 đến nay.

Tác động của các kỳ điều chỉnh tăng giá xăng liên tiếp không chỉ khiến cho chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2022 tăng giá 2,25%, chiếm trên một nửa so với mục tiêu lạm phát hơn 4% được Quốc hội đặt ra từ đầu năm, mà thực tế người dân đang phải đối mặt trước cơn bão giá với nhiều loại mặt hàng thiết yếu tăng cao, buộc tiết giảm chi phí hàng ngày.

Giá nhiều loại mặt hàng thiết yếu trên thị trường đang tăng cao.
Giá nhiều loại mặt hàng thiết yếu trên thị trường đang tăng cao.

Tại thị trường Hà Nội, theo phản ánh của người dân, giá các loại thực phẩm tăng chóng mặt. Bà Nguyễn Thu Thủy - cư trú tại đường Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, hiện nay mặt hàng nào cũng tăng, thậm chí có mặt hàng tăng mạnh. Chỉ từ đầu tháng đến nay, các loại rau xanh bất ngờ tăng giá gấp 2 lần.

“Lý do được người bán hàng đưa ra do thời tiết mưa kéo dài cùng với việc giá xăng tăng khiến chi phí bị đội lên theo…”- bà Nguyễn Thu Thủy nói.

Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, người dân cũng ghi nhận nhiều mặt hàng tăng giá từ quả trứng đến chai dầu ăn. Tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh như chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Bình Thới (quận 11), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh),… cho thấy giá mặt hàng trứng các loại đều tăng mạnh. Cụ thể, giá trứng gà, vịt đã tăng lần lượt 3.000-7.000 đồng/chục và 2.000-4.000 đồng/chục. Mỗi lít dầu ăn hiện tăng 50% so với đầu năm và gấp đôi hai năm trước, lên hơn 55.000 đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Cần có giải pháp kìm giá hàng hóa

Đánh giá về tình hình lạm phát từ đầu năm đến nay, TS.Nguyễn Bích Lâm - chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành mà cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp để kiểm soát được giá xăng dầu trong thời gian qua, như giảm thuế môi trường, sử dụng quỹ bình ổn…

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng đánh giá cao và quan tâm đến đề xuất giảm thuế được Bộ Tài chính đề xuất trước Quốc hội. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, chiếm 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và hàng tiêu dùng. Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích là giảm được giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh, từ đó sẽ có tích lũy cho nền kinh tế, thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% trong năm 2022 như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Đảm bảo an sinh xã hội đối với người nghèo, người yếu thế

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội thời điểm này là cần thiết, bởi thời gian vừa qua, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đã gặp phải nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Việc thực hiện các giải pháp an sinh xã hội cần đơn giản, để người nghèo, người yếu thế dễ tiếp cận.

Về giải pháp kiềm chế lạm phát, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã thực hiện có hiệu quả công tác điều hành giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung, hạn chế hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận. Để hạn chế được tác động tiêu cực của việc giá cả leo thang cũng như giá xăng dầu, thì phải có những can thiệp điều chỉnh dưới góc độ chính sách để kiềm chế giá xăng dầu cũng như lạm phát. Đồng thời, các bộ, ngành cần có những giải pháp hỗ trợ xã hội như trợ cấp đối tượng khó khăn, dễ bị tổn thương…