Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD sớm hơn dự kiến

Dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu của doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Cụ thể, ước tính đến cuối tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD, sớm hơn dự kiến. Trong đó, nhiều nhất là xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ước đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021 và tăng 13,6% so với năm 2018.

Theo đó, xuất khẩu vào từng nước trong khối cũng tăng trưởng hai con số so với năm 2021, như Nhật Bản tăng 33%, Canada tăng 67%, Australia tăng 53%, Malaysia tăng 34%, Mexico tăng 59% và đặc biệt đã mở cửa được thị trường Peru với giá trị gần 12 triệu USD, tăng 100%.

Trước nhu cầu tăng trưởng dịp cuối năm của các quốc gia về nông sản, thực phẩm, nhiều doanh nghiệp của ngành chế biến nông - lâm - thủy sản trong nước đang tăng tốc mở rộng đầu tư để nắm bắt “thời cơ vàng”.

Nhật Bản là thị trường truyền thống của Việt Nam với giá trị 1,3 - 1,4 tỷ USD đã góp phần tạo nên sự sôi động cho thương mại thủy sản giữa Việt Nam và khối CPTPP.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế của hiệp định để phát triển các dòng sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra. Tính chung nhóm hàng nông - lâm - thủy sản, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay ghi nhận mức tăng kỷ lục khi đạt 45 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước và đang chạy nước rút để đạt con số 55 tỷ USD đến cuối năm nay.

Trong nhóm các ngành hàng xuất khẩu có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.

Theo dự báo của Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công thương, hiện thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 10,42%/năm trong giai đoạn 2022-2027./.