Nhiều kinh nghiệm hay về quản lý thuế thương mại điện tử

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hoài (Học viện Tài chính) cho biết, theo đánh giá của cơ quan thuế Nhật Bản, các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) dù được thực hiện một phần, hay toàn bộ qua mạng internet thì đều có những đặc điểm như tính nặc danh cao, dễ dàng thực hiện, phạm vi rộng, dữ liệu được mã hóa dưới định dạng số và được bảo mật...

Kinh nghiệm quản lý thuế thương mại điện tử từ Nhật Bản và Hàn Quốc
Các nước đều có nhận định chung là thương mại điện tử đặt ra rất nhiều thách thức đối với cơ quan thuế trong việc quản lý thuế. Ảnh: TL.

Để xử lý các vấn đề này, hạn chế gian lận, chống thất thu thuế, cơ quan thuế Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp như: Yêu cầu các ngân hàng cung cấp các số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch TMĐT nhằm nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT.

Thu thập dữ liệu trong máy chủ của người nộp thuế

Theo ThS. Chu Văn Hùng, ở Hàn Quốc, để kiểm tra tính tuân thủ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT ở chỉ tiêu doanh thu trên các tờ khai thuế, trong một số giao dịch, cơ quan thuế thực hiện một số đơn đặt hàng giả và sau đó tiến hành xác minh các giao dịch tài chính, từ đó có thể kiểm tra được doanh thu có kê khai đúng hay không.

Đặc biệt, trong quá trình điều tra, đối với các giao dịch TMĐT, Tổng cục Thuế Hàn Quốc được hỗ trợ đắc lực bởi những cán bộ công nghệ thông tin trong việc nắm bắt, thu thập số liệu, phục hồi các dữ liệu bị xóa trong máy chủ, thu thập cơ sở dữ liệu trong hệ thống máy chủ của NNT. Đây là nền tảng quan trọng để có thể thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra NNT có hoạt động TMĐT của cơ quan thuế được thuận lợi, dễ dàng.

Thực hiện mua sắm thử để nhận email từ người bán và để nhận diện họ. Đây là một trong những cách thức, phương pháp để nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT.

Sử dụng phần mềm khôi phục dữ liệu để khôi phục lại dữ liệu trên các thiết bị từ tính, hoặc các đĩa cứng của các máy tính cá nhân nhằm nhận diện và khôi phục dữ liệu để tính các khoản thu nhập và để chuẩn bị trong trường hợp khiếu kiện sau này. Tuy nhiên, để thực hiện biện pháp này, cơ quan thuế cần phải có sự hỗ trợ toàn diện của người nộp thuế (NNT).

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hoài, cơ quan thuế Nhật Bản thành lập Tổ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT bao gồm các chuyên gia công nghệ thông tin, các cán bộ thanh tra, kiểm tra có kinh nghiệm lâu năm được luân chuyển từ các cục thuế vùng và chi cục thuế.

Năm 2000, Cơ quan thuế quốc gia Nhật Bản đã thành lập một Tổ chuyên trách về TMĐT. Hiện nay, số lượng thành viên tại tất cả các tổ tại Nhật Bản là hơn 50 người. Thành phần nhân viên tổ TMĐT bao gồm các nhóm phát triển TMĐT và nhóm thanh tra TMĐT dưới sự chỉ đạo của chánh thanh tra phòng thuế phụ trách giao dịch TMĐT…

Bên cạnh đó, các cán bộ trong các tổ TMĐT thường xuyên được tham gia các cuộc đào tạo, bao gồm lớp đào tạo chung cho các nhân viên về phương pháp thanh tra IT, phần mềm kế toán tài chính, giám sát hệ thống an ninh mạng; lớp đào tạo riêng cho cán bộ phụ trách TMĐT được tập huấn, bồi dưỡng về các vấn đề về máy chủ, cơ sở dữ liệu, các phần mềm tin học văn phòng.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu thu thập từ các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT, phát triển hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet để thu thập thông tin từ các trang web…

Chia sẻ về kinh nghiệm của Hàn Quốc, ThS. Chu Văn Hùng - Đại học Quốc tế (Đại học quốc gia Hà Nội) cho hay, tại Hàn Quốc, cơ quan Thuế Hàn Quốc có phòng quản lý thuế đối với TMĐT, bộ phận này có nhiệm vụ phân tích xu hướng của các ngành nghề có liên quan đến TMĐT và các nghi vấn về trốn thuế. Các thông tin có thể được thu thập từ các nguồn khác nhau như từ Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, Hiệp hội quản lý gian hàng trực tuyến tại Hàn Quốc, hoặc thu thập từ các trang web bán hàng của doanh nghiệp, từ đó cơ quan thuế Hàn Quốc có thể phát hiện được các nghi vấn trốn thuế của doanh nghiệp.

Hàn Quốc có Trung tâm chống trốn thuế công nghệ cao thuộc Cục thuế vùng Seoul nhằm thực hiện điều tra các trường hợp trốn thuế đối với hoạt động TMĐT. Trung tâm này các cán bộ có trình độ chuyên môn về thuế và các cán bộ thông tin có trình độ cao. Tại các cục thuế vùng còn lại có các cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách hỗ trợ. Trung tâm chống trốn thuế công nghệ cao có nhiệm vụ phát hiện các trường hợp trốn thuế và thu thập chứng cứ để đấu tranh yêu cầu NNT phải thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thời gian qua, bằng các biện pháp nghiệp vụ như kiểm tra số tài khoản được công bố trên trang web, thử đặt hàng rồi thực hiện xác minh giao dịch để kiểm tra độ chính xác của việc khai báo doanh thu, cơ quan thuế Hàn Quốc đã phát hiện một số doanh nghiệp TMĐT gian lận khi kê khai doanh thu.

Cần có bộ phận chuyên trách quản lý thuế thương mại điện tử

Qua nghiên cứu công tác quản lý thuế tại một số nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hoài cho rằng, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại mỗi nước phụ thuộc vào mục tiêu, trình độ quản lý và mức độ phát triển của TMĐT.

Tuy nhiên, các nước đều có nhận định chung là TMĐT đặt ra rất nhiều vấn đề và thách thức đối với cơ quan thuế trong việc quản lý thuế; vì vậy cần có những giải pháp về quản lý thuế phù hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với TMĐT.

Trong đó, bài học có thể tiếp thu, vận dụng tại Việt Nam để hoàn thiện quản lý thuế, chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT như: Thành lập một bộ phận chuyên trách để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực TMĐT.

Kinh nghiệm quản lý thuế thương mại điện tử từ Nhật Bản và Hàn Quốc
Tại Việt Nam, thời gian gần đây các cá nhân giao dịch mua bán qua sàn thương mại điện tử ngày càng gia tăng. Ảnh: Văn Nam.

Cùng với đó, chú trọng đào tạo cho cán bộ thuế các kiến thức chuyên sâu liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn các kỹ năng khai thác, tìm kiếm, truy tìm và thu thập thông tin trên mạng internet nhằm nhận diện NNT không tuân thủ, thu thập thông tin trực tiếp phục vụ thanh tra, kiểm tra NNT. Tổ chức tập huấn, đào tạo về các hình thức kinh doanh TMĐT, các kỹ năng đặc biệt cho cán bộ các kỹ năng thanh tra, kiểm tra máy tính (IT examination), phương pháp thu thập, truy lần dấu vết giao dịch, phân tích và khôi phục dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghiên cứu, phát triển công cụ tìm kiếm để thu thập thông tin cần thiết để xử lý các nhóm rủi ro khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp tùy thuộc vào thông tin cần thu thập. Đối với thông tin cơ bản về xu hướng giao dịch TMĐT, cơ quan thuế có thể thu thập từ các công ty chuyên cung cấp dữ liệu, Chính phủ và các tổ chức thương mại, tổ chức thống kê quốc gia, đăng ký trực tuyến vào các trang tin về TMĐT.

Xây dựng kho dữ liệu của cơ quan thuế

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hoài, cần xây dựng kho dữ liệu (Big Data) của cơ quan thuế trên cơ sở kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chức năng, tích hợp thông tin từ các trang mạng xã hội, các website bán hàng, các sàn giao dịch trực tuyến để đảm bảo có đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho quản lý thuế đối với TMĐT.