Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, bất chấp lo ngại suy thoái
Người Mỹ lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế.

Câu chuyện kinh tế của năm 2023

Các số liệu được công bố ngày 25/1 (giờ Mỹ) cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý của nền kinh tế Mỹ trước chiến dịch kéo dài của Cục Dự trữ Liên bang (FED) nhằm ngăn chặn lạm phát bằng lãi suất cao hơn, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư về việc ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.

Tính chung cả năm, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,1%, khẳng định đây là nền kinh tế tiên tiến tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2023. Eswar Prasad - giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell cho biết: “Số liệu GDP này củng cố vị trí của Mỹ là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu”.

Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng tăng với tốc độ 1,7% trong quý IV, giảm từ mức 2,6% trong quý trước đó. Cùng với GDP, dữ liệu này cho thấy nền kinh tế đang hướng tới “hạ cánh mềm”, trong đó lạm phát được kiềm chế mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Đầu năm 2023, các nhà dự báo kinh tế cho rằng, chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt của FED sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng đảo ngược. Thay vào đó, kinh tế Mỹ lại tăng tốc với tốc độ tăng GDP cả năm là 3,1%, tăng từ mức dưới 1% của năm 2022 và nhanh hơn mức trung bình trong 5 năm trước đại dịch. “Thật tuyệt vời và ngoạn mục” - Diane Swonk, kinh tế trưởng tại KPMG khẳng định: “Chúng ta sẽ giành chiến thắng”.

Tổng thống Biden hoan nghênh dữ liệu mới nhất hôm thứ Năm như một bằng chứng cho thấy các chính sách kinh tế của ông đang phát huy tác dụng. Ông nói: “Tiền lương, sự giàu có và việc làm hiện nay đã cao hơn so với trước đại dịch. Đó là tin tốt cho các gia đình Mỹ và người lao động Mỹ”.

Những con số này cũng sẽ là động lực cho Tổng thống Biden trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, chính các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế của chính quyền đã tạo ra sự hồi sinh “đáng chú ý cả về tốc độ và tính công bằng”.

Bà Yellen nói: “Mặc dù một số nhà dự báo cho rằng cuộc suy thoái năm ngoái là không thể tránh khỏi, nhưng Tổng thống Biden và tôi thì không. Thay vì thu hẹp lại, nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ vào công nhân Mỹ và chiến lược kinh tế của Tổng thống Biden”.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng trong quý 4 thấp hơn so với mức 4,9% của quý 3, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế. Mức tăng trưởng 3,1% trong cả năm cũng vượt dự báo. Ngay lập tức, giá cổ phiếu và trái phiếu Mỹ đã tăng cao kỷ lục sau khi dữ liệu kinh tế được công bố, với chỉ số S&P 500 tăng 0,5%. Trái phiếu chính phủ đã kéo dài đợt phục hồi trong phiên ngày 25/1, với lãi suất trái phiếu hai năm nhạy cảm với chính sách giảm 0,06 điểm phần trăm xuống 4,31%. Các doanh nghiệp dường như ngày càng tự tin hơn, đẩy mạnh đầu tư sau một năm chuẩn bị cho khả năng suy thoái.

Giáo sư Prasad cho biết, những số liệu tốt của nền kinh tế Mỹ trái ngược với triển vọng ảm đạm hơn ở những nơi khác trong nền kinh tế toàn cầu. Ông nói: “Thành tích nổi bật ngoài mong đợi này là câu chuyện kinh tế của năm 2023 và là chỉ báo tích cực đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024”.

Còn bà Yellen cho rằng, thành tích mạnh mẽ của kinh tế Mỹ là “nhanh kỷ lục” và không chỉ là sự phục hồi sau đại dịch. Bà nói: “Chúng tôi cũng tập trung vào việc giải quyết các chuỗi cung ứng và thu hút nhiều người Mỹ hơn vào lực lượng lao động”.

Đẩy lùi nỗi lo suy thoái kinh tế

Có rất ít dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái sắp xảy ra trong năm nay. Những dự báo ban đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng vẫn tiếp tục, mặc dù chậm hơn, trong ba tháng đầu năm 2024. Tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp và tăng trưởng việc làm vẫn ổn định. Lạm phát hạ nhiệt có nghĩa là tiền lương lại tăng nhanh hơn giá cả và tâm lý người tiêu dùng cũng có dấu hiệu phục hồi sau nhiều năm ảm đạm.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, bất chấp lo ngại suy thoái
Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt là tin tốt cho các hộ gia đình Mỹ đang gặp khó khăn sau hai năm giá cả tăng nhanh.

Brian Rose - nhà kinh tế cấp cao tại UBS cho biết: “Thật khó để tưởng tượng mọi thứ có thể tốt hơn như thế nào khi hạ cánh mềm. Nhìn lại năm ngoái, hầu hết mọi người đều không nghĩ đến một kết quả tốt từ sự kết hợp giữa tăng trưởng và lạm phát. Với mức tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát giảm nhanh, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ đến một kịch bản tốt như vậy”.

Số liệu GDP và lạm phát công bố ngày 25/1 được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác cân nhắc thời điểm cắt giảm lãi suất trong năm nay khi lạm phát bắt đầu đạt mục tiêu 2% của họ. Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày 25/1 cho biết sẽ giữ lãi suất khu vực đồng Euro ổn định ở mức cao kỷ lục 4%, nhưng lưu ý rằng lạm phát đang giảm phù hợp với kỳ vọng của họ, mặc dù đã tăng trong tháng 12.

Trong cuộc họp báo sau quyết định này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết mức tăng lạm phát ở châu Âu trong tháng 12 “yếu hơn dự kiến” và dự báo áp lực giá sẽ “giảm bớt hơn nữa trong suốt năm nay”.

Dữ liệu quý IV/2023 cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sự phục hồi có nền tảng vững chắc. Chi tiêu tiêu dùng, nền tảng của nền kinh tế Mỹ, chỉ tăng với tốc độ 2,8% cả năm. Lĩnh vực nhà ở, vốn bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao vào năm 2022 và đầu năm 2023, đã tăng trưởng khiêm tốn trong quý thứ hai liên tiếp. Các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào thiết bị. Thu nhập cá nhân tăng nhanh hơn giá cả khi thị trường việc làm mạnh mẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho người lao động.

Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt là tin tốt cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn sau hai năm giá cả tăng nhanh; đồng thời cũng giảm khả năng xảy ra suy thoái đối với nền kinh tế vì sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của FED linh hoạt hơn trong việc cắt giảm lãi suất nhằm duy trì đà phục hồi. Aichi Amemiya - nhà kinh tế cấp cao tại Nomura cho biết: “Ngay cả khi chúng tôi nhận thấy một số dấu hiệu của lực suy thoái, FED vẫn có thể phản ứng khá nhanh”.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, rủi ro với nền kinh tế Mỹ vẫn còn, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới vẫn tăng. Người tiêu dùng ngày càng chi tiêu nhiều hơn bằng thẻ tín dụng và các hình thức vay khác, chẳng hạn như các khoản vay mua trước trả sau, cho thấy chi tiêu tiêu dùng không bền vững, đặc biệt nếu thị trường việc làm suy yếu. Lãi suất cao tiếp tục tác động đến nền kinh tế và những diễn biến ở nước ngoài, từ xung đột ở Trung Đông và sự suy yếu kinh tế ở Trung Quốc, có thể tác động đến kinh tế Mỹ.

Ben Herzon - chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Tôi nghĩ những lo ngại rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái đã gần như không còn tồn tại và có vẻ như các doanh nghiệp đang lên kế hoạch cho tăng trưởng”.