Kinh tế thế giới có đang thực sự đang phục hồi?

Ảnh: twistedeconotwist

Trong bối cảnh như vậy, Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen vẫn thể hiện được “nghệ thuật” của mình trong việc khẳng định tình hình đang trở lại bình thường, mặc dù chậm. Cách thức yêu thích của bà Yellen là “không dự báo được” và “mập mờ”, giống như là đang dò dẫm tìm đường trong bóng đêm bằng ánh đèn pin.

Lawrence Summers, nhà kinh tế học của Havard và trước đây đã từng là đối thủ của bà Yellen cho vị trí chiếc ghế chủ tịch Fed, không có đủ kiên nhẫn như bà Yellen. Kể từ khi Yellen nhậm chức năm 2013, Summers đã đi rất nhiều nơi trên thế giới – từ Santiago đến St. Louis đến Florence, Ý – để tranh luận rằng nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng tồi tệ hơn nhận định của các ngân hàng trung ương. Chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, ông cho rằng các ngân hàng trung ương đang phải cam chịu thất bại trong việc phục hồi tăng trưởng, và cần phải tìm đến các chính phủ để dựa vào chính sách kích thích tài khóa mạnh mẽ như đầu tư vào cơ sở hạ tầng hay tương tự như vậy.

Giữa Yellen và Summers, ai đúng ai sai? Nhàm chán không có nghĩa là sai và công kích không có nghĩa là đúng. Nếu nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt đẹp trong vòng một vài năm tới thì cách làm dần dần, bình tĩnh của Yellen là thông minh. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế vẫn còn trong trình trạng kỳ quặc kéo dài, nhận định của Summers dường như sẽ có lý hơn.

“Cảm giác của tôi là nếu suy nghĩ của Summers là đúng, thì cuộc chơi sẽ hoàn toàn thay đổi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ về chính sách kinh tế vĩ mô trong một vài thập kỷ tới”, Gauti Eggertsson, cựu nhân viên của Fed và hiện là nhà lý luận kinh tế vĩ mô tại đại học Brown cho biết.

Một trong những câu hỏi nặng nề nhất mà Summers đã nêu ra chính là tại sao tăng trưởng toàn cầu vẫn ỳ ạch và không đồng đều. Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 1 chỉ 0,5%. Ở Châu Âu, tốc độ cao hơn, ở 2,2%; Nhật Bản sụt giảm 1,1%. Giảm phát vốn trước đây được coi là vấn đề của riêng Nhật Bản hiện đã trở thành một mối đe dọa toàn cầu.

Vào tháng 11/2013, khi Yellen được chọn để kế nhiệm Ben Bernanke, Summers đã đến Quỹ Tiền tệ quốc tế ở Washington và đề cập đến nỗi ám ảnh về “trì trệ trường kỳ” (secular stagnation) – một thuật ngữ được đưa ra trong giai đoạn Đại Suy Thoái bởi nhà kinh tế học của Harvard - Alvin Hansen.

Summers cho rằng nền kinh tế thế giới đang rất không cân bằng đến nỗi mà thậm chí lãi suất 0% vẫn còn là quá cao. Ông cho rằng tăng trưởng thế giới đang bị mắc kẹt trong một “vũng bùn” do tình trạng thiếu hụt nghiêm trong cầu hàng hóa và dịch vụ trong khi tiết kiệm ngày càng nhiều hơn. Mỹ và các quốc gia công nghiệp có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn do dân số già đi.

Trong khi đó, bất bình đẳng gia tăng, tiền chảy vào túi một số ít người giàu có.

Lãi suất thông thường được cho rằng không thể ở mức dưới 0%, tuy nhiên, ngân hàng Nhật Bản và ngân hàng trung ương Châu Âu, cùng một vài ngân hàng khác đã quá tuyệt vọng trong việc phục hồi tăng trưởng và họ đã buộc phải đẩy mức lãi suất về âm.

Mặc dù phản đối việc tăng lãi suất của Fed, Summers vẫn lo ngại về việc kéo dài việc áp dụng mức lãi suất thấp sẽ gây ra bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán và bất động sản. Và trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa cần phải đóng một vai trò quan trọng hơn.

Summers cho rằng các ngân hàng trung ương cần phải thay đổi tư duy và đã đến lúc tăng cường hợp tác với các tổ chức khác để giải quyết vấn đề cốt lõi đã đẩy nền kinh tế vào tình trang hiện nay./.

Mai Linh (Theo Bloomberg)