Kỷ niệm nhỏ, tấm lòng lớn...
Tác giả (bên phải) và nhà báo Vũ Duy Cao của TBTCVN. Ảnh: Bảo Cường

Chuyến công tác... tìm giấy

Thật nan giải! Tôi được cử lên Phú Thọ (Nhà máy Giấy Bãi Bằng) để liên hệ và mua giấy ngoài kế hoạch. Do đã biết Cục trưởng Cục thuế Phú Thọ từ "hội nghị đầu bờ" ở Tam Đảo (thời đó, hội nghị đầu bờ là thuật ngữ chỉ hội nghị chuẩn bị cho một việc gì đó mà ở đây là hội nghị do Bộ Tài chính tổ chức bàn việc chuẩn bị cho ra đời Thời báo Tài chính Việt Nam (TBTCVN) cơ quan ngôn luận của ngành Tài chính). Tôi và anh Cục trưởng vào làm việc với lãnh đạo Nhà máy Giấy Bãi Bằng và thật là may mắn, nhà máy vẫn còn giấy dự phòng.

Với sự bảo đảm của Cục trưởng Cục Thuế Phú Thọ, nhà máy ứng ngay 5 tấn giấy và hứa đảm bảo cung ứng giấy thường xuyên để in báo theo nhu cầu tòa soạn. Chưa có hợp đồng, chưa trả tiền, chỉ có lời hứa miệng của lãnh đạo Nhà máy giấy Bãi Bằng, trở lại Hà Nội, tôi vừa mừng vừa lo, không biết họ có giữ đúng lời hứa, để kịp in báo theo kế hoạch đã định không...

Ngay hôm sau, tôi nhớ khoảng 6 giờ tối, đang ở nhà khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu rất gần với tòa soạn, một tiếng gọi lanh lảnh: "Anh Quang ơi, giấy về rồi!". Tôi từ tầng 4 nhìn xuống thì nhận ra cô em Nguyễn Thanh Hà - văn thư, kiêm đánh máy của tòa soạn, đang dừng xe đạp ở dưới đường để gọi với lên. Tôi vội vàng lấy xe đạp, chạy tới tòa soạn. Tôi nhận giấy bàn giao cho Nhà in Thông tấn xã và cảm ơn lái xe chuyên dụng của Nhà máy Giấy Bãi Bằng để họ còn kịp trở lại Phú Thọ trong đêm.

Thời báo đến với bạn đọc ngành Công an

Anh bạn tôi (xin không nêu tên) công tác ở Vụ 1 - Bộ Tài chính gặp tôi và bảo ông có muốn đưa báo vào ngành Công an không. Tôi bảo muốn lắm, nhưng khó lắm(!) Nhớ lại hồi đó, thời kỳ 1994-1995, Công an là ngành có hệ thống báo chí, truyền thông hùng hậu. Ở tất cả các tỉnh thành phố lớn họ đều có tờ báo in riêng. Còn ở trung ương, Công an Nhân dân là tờ báo có số lượng phát hành cực lớn, là niềm mơ ước của tất cả báo ngành thời đó. Vậy mà mơ phát hành báo của mình vào ngành của họ (?)

Anh bạn tôi bảo, khó mà làm được mới “oách” chứ. Rồi anh nói tiếp: "Ông thuyết phục Tổng Biên tập của ông gặp gỡ và trao đổi với anh Nhất (Thiếu tướng Hoàng Ngọc Nhất - Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách hậu cần tài chính). Nếu Tổng Biên tập đồng ý tôi sẽ thu xếp, bố trí gặp".

Ngay tối hôm đó, tôi đánh liều tới nhà riêng của Tổng Biên tập Tào Hữu Phùng để trình bày. Thú thật lúc đó tôi rất lo lắng và hồi hộp, chỉ sợ Tổng biên tập từ chối và mắng cho một trận thì không biết chui vào đâu. Nhưng thật kỳ diệu, Tổng biên tập chăm chú lắng nghe tất cả ý kiến tôi trình bày và kết luận: "Đây là việc cần làm ngay, vì sự phát triển của tờ báo. Các cậu bố trí càng sớm càng tốt!"

Thế là một ngày đẹp trời sau đó ít hôm, tôi đã cùng Tổng Biên tập sang Bộ Công an làm việc. Bạn tôi bố trí rất khéo, phía Bộ Công an, ngoài anh Nhất - Thứ trưởng còn có anh Tùng - Đại tá, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (V22). Kết thúc buổi làm việc, phía Bộ Công an, anh Nhất giao cho anh Tùng về làm ngay kế hoạch, số lượng báo cần mua…; ký hợp đồng mua báo của TBTCVN, để phát hành tới tất cả các đơn vị thuộc hệ thống ngành Công an nhân dân.

Về phía TBTCVN, Tổng Biên tập giao cho tôi làm việc trực tiếp với V22 để sớm đưa báo đến tay bạn đọc công an. Thế là hàng ngàn tờ TBTCVN đã đến được với lực lượng công an nhân dân ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Hôm nay nhớ lại và suy nghĩ, kể lại câu chuyện nhỏ này, tôi muốn nó như một nén nhang thắp lên để tưởng nhớ đến anh - người ANH CẢ (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) Tổng biên tập đầu tiên của TBTCVN: GS.TSKH Tào Hữu Phùng.

"Nam tiến" và thuật ngữ "Phối hợp tuyên truyền"

Cuối năm 1998, cơn bão Linda (cơn bão số 5) quét dọc ven biển miền Trung gây tổn thất vô cùng to lớn về người và của với đồng bào từ Trung Trung Bộ trở vào. Nhận lời mời của anh Hai Thiều – Giám đốc Sở Tài chính Đồng Nai và anh Ba Lũng - Giám đốc Sở Tài chính An Giang, tôi cùng phóng viên Ngô Sơn "Nam tiến".

Khi chúng tôi đến Đồng Nai, anh Hai Thiều thông báo ngay kế hoạch phát hành TBTCVN trong hệ thống đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong kế hoạch chi ngân sách năm sau. Về quảng cáo, anh giới thiệu công ty xổ số kiến thiết tỉnh. Đặc biệt, anh mời anh Sáu Định - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, sang cùng bàn bạc để phối hợp giúp TBTCVN quảng cáo, tăng thêm thu nhập.

Anh Sáu Định hết sức nhiệt tình, cử ngay 1 trưởng phòng truyền thông của cục thuế, phối hợp. Thật cảm động tấm lòng của anh Hai Thiều với TBTCVN, khi trực tiếp giới thiệu chị Bé (vợ anh), khi đó đang là Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (SONADERI), để quảng cáo doanh nghiệp của chị trên tờ TBTCVN.

Chúng tôi đến An Giang đang giữa mùa khô, thật kỳ lạ là trời lại se lạnh như cuối thu miền Bắc. Anh Ba Lũng phải mặc áo ấm tiếp chúng tôi. Anh nói, tỉnh có chủ trương thí điểm đổi đất lấy hạ tầng để xây dựng chợ Tân Châu (giáp biên giới Campuchia) và giao cho Sở Tài chính là đầu mối chủ trì. Bởi vậy, anh mời chúng tôi vào để làm phương án giới thiệu trên TBTCVN, nhằm rút kinh nghiệm cho các dự án tiếp theo.

Rồi anh cho biết, không thể lấy tiền ngân sách ra để làm kinh phí quảng cáo, mà phải tìm cách khác để hỗ trợ kinh phí cho TBTCVN thực hiện tuyên truyền. Sau một hồi bàn thảo, anh quyết định sử dụng thuật ngữ "phối hợp tuyên truyền" để ký kết hợp đồng giữa 2 bên. Thế là từ đó, hợp đồng phối hợp tuyên truyền được áp dụng rộng rãi mang lại lợi ích cho cả hai bên và nhất là TBTCVN./.