PV: Chỉ số tiêu dùng tháng 6 cao nhất trong vòng 10 năm nay và bình quân 7 tháng CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, ông đánh giá như thế nào về các con số này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Tôi cho rằng, đây là mức không quá cao, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao ở các nước Âu, Mỹ. Việt Nam, có thể nói, về danh nghĩa vẫn đang kiểm soát tốt vấn đề lạm phát.

Lạm phát trong tầm kiểm soát, nhưng phải tiếp tục điều hành thận trọng
TS. Nguyễn Minh Phong

Tuy nhiên, không phải không có quan ngại về áp lực lạm phát, khi tháng 7 so với tháng trước, CPI tăng 0,4% và trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá. Từ nay đến cuối năm, còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá, do biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Hơn nữa, trong nửa cuối năm, khi các gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi của Chính phủ được triển khai quyết liệt, bên cạnh việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn, thì ít nhiều cũng sẽ gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tăng lượng tín dụng và tổng cầu, ngoài nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng lên sau một thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đồng thời, thời gian đang ghi nhận những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có những điều chỉnh theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, để ưu tiên kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào, các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

PV: Giá xăng dầu đang dần hạ nhiệt, nhưng giá thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt lợn đang nóng từng ngày khiến dư luận lo ngại tác động lên lạm phát cuối năm. Theo ông, yếu tố này có đáng lo ngại không?

TS. Nguyễn Minh Phong: Giá thực phẩm tăng cao trực tiếp làm tăng áp lực lạm phát và làm giảm chất lượng sống thực tế của người dân. Hiện nay giá thịt lợn đang cao và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng 15 - 22% so với cuối năm 2021.

Giá thịt lợn tăng trước hết có nguyên nhân từ giá thức ăn chăn nuôi tăng. Nếu tính từ năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã liên tiếp tăng 20 lần và chưa 1 lần giảm. Giá lợn hơi tăng còn do chênh lệch cung - cầu, khi nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng nhanh trở lại do sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy. Bên cạnh đó, giá xăng tăng mạnh cũng khiến giá vận tải thức ăn và thành phẩm thịt tăng thêm 15.000 - 20.000 đồng/kg với lý do giá lợn hơi tăng…

Giá thịt lợn đang neo ở mức cao và mặt hàng này chiếm tỷ trọng 3,39% trong rổ hàng hóa, nên có tác động khá lớn tới lạm phát. Theo Tổng cục Thống kê, khi giá lương thực, thực phẩm tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng tới 2,77 điểm phần trăm.

Do đó, tôi cho rằng, việc chủ động nguồn cung với ổn định giá lương thực và thực phẩm là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát năm 2022.

Giá dầu vẫn là một ẩn số

Xu hướng gần đây về cải thiện giá dầu thế giới và trong nước tạo căn cứ tích cực, củng cố niềm tin Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 dưới 4%... Tuy vậy, giá dầu hiện nay vẫn là một ẩn số, cho nên chúng ta phải lên các kịch bản giá cho từng phương án, tạo sự chủ động trong điều hành, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

PV: Vậy theo ông cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm nào để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra là dưới 4% trong năm nay?

TS. Nguyễn Minh Phong: Từ nay tới cuối năm, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, phải tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đảm bảo nguồn cung hàng hóa; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường tuyên truyền để kiểm soát tốt cả áp lực lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy, lạm phát cần kéo và lạm phát ngoại nhập, cũng như giảm thiểu tránh lạm phát kỳ vọng.

Lạm phát là vấn đề chung của toàn cầu, nền kinh tế của nước ta có độ mở cửa rất lớn, sản xuất trong nước thì phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên, nhiên vật liệu từ nước ngoài, nên Chính phủ cần chỉ đạo rất quyết liệt về kiểm soát lạm phát ngoại nhập.

Bộ Tài chính (thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá) cần chủ động và tích cực phối hợp với các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước trong đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Xu hướng gần đây về cải thiện giá dầu thế giới và trong nước tạo căn cứ tích cực, củng cố niềm tin Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 dưới 4%... Tuy vậy, giá dầu hiện nay vẫn là một ẩn số, cho nên chúng ta phải lên các kịch bản giá cho từng phương án, tạo sự chủ động trong điều hành, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chúng ta đã khá thành công trong kiểm soát lạm phát

Từ đầu năm đến nay, lạm phát và giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới tăng nhanh đã tác động trực tiếp và gián tiếp lên thị trường Việt Nam. Tại nhiều nước trên thế giới, lạm phát tăng cao, nhiều nước Mỹ và châu Âu tăng cao từ 6 - 8%. Các nước thuộc khu vực ASEAN đều có mức lạm phát cao hơn Việt Nam.

Vì vậy, theo TS. Nguyễn Minh Phong, nếu so sánh khách quan, dù áp lực lên lạm phát là rất lớn nhưng có thể khẳng định rằng, chúng ta đã khá thành công trong kiểm soát lạm phát.

Thành công của kết quả trên là do nhiều nhân tố, trong đó có tác động tích cực từ chính sách tài khóa, các chính sách về thuế, phí, giá, nhất là điều chỉnh chính sách thuế, như: việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT (trừ một số nhóm hàng); giảm nhiều loại thuế, phí trong đó có lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước; thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và gần đây nhất là giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng không pha chì 10%...

Việc giảm thu ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng từ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và cộng hưởng các yếu tố khác giúp giảm áp lực lạm phát chi phí đẩy trong những tháng qua.

“Có được kết quả đó là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn từ phía Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính vừa giữ vai trò là cơ quan điều hành các chính sách tài khóa hỗ trợ thị trường, vừa trong vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Việc kiểm soát lạm phát lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng như đời sống người dân còn đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch” - TS. Nguyễn Minh Phong cho hay.

Với kết quả đã đạt được nhờ nỗ lực trong suốt thời gian qua, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tiếp tục chủ động, kiên quyết, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để đạt mục tiêu kế hoạch cả năm cả về lạm phát và tăng trưởng kinh tế đã đặt ra.