Chiều ngày 14/02, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) tổ chức Hội nghị đào tạo, phổ biến, tuyên truyền quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Hội nghị nhằm phổ biến các quy định mới, cập nhật thông tin về cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng như những yêu cầu về kiểm soát hoạt động tài chính, giao dịch có nguy cơ cao.
Thủ đoạn “rửa” tiền ngày càng tinh vi
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nguy cơ về tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đang trở thành thách thức nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sự ổn định của hệ thống tài chính.
Những hành vi này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh quốc phòng, chính trị và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
![]() |
Đại diện Bộ Công an chia về nội dung phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ảnh: Ánh Tuyết. |
Hoàn thiện pháp lý, nâng cao hiệu quả về phòng chống rửa tiền " Việt Nam đã tích cực hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các quy định pháp luật về lĩnh vực này đã và đang được bổ sung, sửa đổi, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, để phù hợp với chuẩn mực quốc tế, góp phần bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế và an ninh quốc gia" - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh. |
Tháng 6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (danh sách xám), đồng thời đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng, Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Một trong những khuyến nghị đó là thực hiện hành động để giải quyết những thiếu hụt liên quan đến khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về các quy định và yêu cầu giám sát tổ chức tài chính (FIs) và cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (DNFBPs); xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ...
Trong số các khuyến nghị, hành động cam kết cấp Chính phủ, theo bà Thơ, hiện 4 hành động được hoàn thiện một phần, 13 hành động chưa có tiến triển. Số lượng hành động cụ thể để thực hiện cam kết là 17 nhưng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như xổ số, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán..., với cấp số nhân các nhiệm vụ từ nhiều bộ, ngành để đạt được hiệu quả và sớm đưa Việt Nam ra khỏi "danh sách xám".
Cũng theo bà Thơ, trong lĩnh vực ngân hàng, do giao dịch trực tiếp với các cá nhân, tổ chức nước ngoài nên nhận thức rõ những bất lợi và đong đếm được thiệt hại khi Việt Nam nằm trong "danh sách xám".
Tội phạm rửa tiền sử dụng các phương pháp ngày càng tinh vi trong các vụ án trọng điểm gần đây, đặc biệt là đại án Vạn Thịnh Phát. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định, với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD thông qua các hợp đồng giao dịch khống. Trong đó, có 9 bị cáo bị kết tội rửa tiền, thành phần đa dạng, từ lãnh đạo ngân hàng, kế toán, lái xe, thư ký.... Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về hành lang pháp lý trong nước về phòng chống rửa tiền để ngăn ngừa tội phạm.
Hoàn thiện pháp luật, ngăn chặn kịp thời vi phạm
Đưa ra lưu ý trong lĩnh vực bảo hiểm, lãnh đạo Cục Phòng, chống rửa tiền nhấn mạnh, việc nhận biết khách hàng là điều quan trọng, từ đó, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền.
Theo đó, các doanh nghiệp cần thu thập, cập nhật, xác minh thông tin; cập nhật thông tin nhận biết khách hàng; xác minh thông tin nhận biết khách hàng và thông qua việc thuê tổ chức khác, qua bên thứ ba... Luật cũng quy định trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
![]() |
Lấp kẽ hở pháp lý về phòng chống rửa tiền, sớm đưa Việt Nam ra khỏi "danh sách xám". Ảnh minh hoạ. |
Cũng theo báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018-2022 do Ngân hàng Nhà nước công bố cuối năm 2024, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm được đánh giá trung bình thấp. Đánh giá hiệu quả triển khai của các biến số liên quan đến các biện pháp phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chủ trì và đánh giá khoa học dựa trên các biến số, sản phẩm và là một trong những ngành đạt kết quả tốt.
Đại diện các cơ quan nêu rõ những điểm nổi bật tại Luật Phòng chống rửa tiền 2022 về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng chống rửa tiền. Bên cạnh đó, Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 cũng quy định việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tại hội nghị, các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính, doanh nghiệp và các bên liên quan cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời, nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường tài chính minh bạch, an toàn, bảo vệ lợi ích quốc gia và tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam./. |