Lật tẩy hành vi phạm tội có tổ chức tại hai trung tâm đăng kiểm ở Đồng Nai
Lực lượng chức năng khám xét nơi làm việc tại TTĐK xe cơ giới 60-04D (phường Tân Biên, TP. Biên Hòa). Ảnh do đơn vị điều tra cung cấp.

Chung chi từ 100 - 400 ngàn đồng để được bỏ qua các lỗi

Các bị can bị bắt giữ trong 2 vụ án này là giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên của TTĐK xe cơ giới 60-05D (P. Phước Tân, TP. Biên Hòa) và TTĐK xe cơ giới 60-04D (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) và một số tài xế của các nhà xe đã hoạt động phạm tội một cách có tổ chức.

Thượng tá Phạm Hồng Kỳ - Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, qua điều tra, cơ quan công an xác định, hành vi của lãnh đạo và nhân viên tại 2 TTĐK nói trên diễn ra có tổ chức, trong suốt thời gian dài, các đối tượng từ giám đốc đến các nhân viên đã thực hiện hành vi một cách bài bản, liên tục và rất tinh vi.

Hành vi của các đối tượng chủ yếu là bỏ qua các lỗi tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường của các phương tiện xe cơ giới (chủ yếu là xe tải) như: cơi nới, quá khổ, quá tải và xác nhận vẫn đảm bảo thông số kỹ thuật để các xe này lưu thông trên đường.

Sau khi phát hiện các lỗi này, các nhân viên sẽ gợi ý với chủ xe để nhận tiền hối lộ rồi làm các thủ tục để bỏ qua các lỗi và cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn cho các phương tiện này. Hành vi này đã diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện.

Theo thông tin điều tra của Công an tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo hai TTĐK đã trực tiếp chỉ đạo các đăng kiểm viên chủ động gợi ý, yêu cầu các chủ phương tiện đến đăng kiểm phương tiện cơ giới chung chi tiền từ 100 - 400 ngàn đồng để được bỏ qua các lỗi không đạt chuẩn về tiêu chuẩn kỹ thuật của các xe cơ giới đường bộ. Theo kết quả điều tra ban đầu, số tiền các đối tượng đã nhận hối lộ thông qua môi giới chung chi tại hai TTĐK trên lên tới hàng chục tỷ đồng.

Trong quá trình đăng kiểm, ngoài việc nhận tiền hối lộ thông qua “cò môi giới” các đăng kiểm viên còn nhận tiền trực tiếp từ các chủ xe (riêng tại TTĐK xe cơ giới 60-05D số tiền này được xác địch hơn 5,4 tỷ đồng).

Lật tẩy chiêu trò “làm luật”

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai, quá trình điều tra xác định hành vi của các đối tượng trong vụ án của 2 TTĐK trên được thực hiện một cách rất tinh vi, có tổ chức, bài bản.

Đối tượng Lương Minh Tú - Giám đốc TTĐK xe cơ giới 60-04D, khai nhận để thực hiện hành vi này, Tú đã chỉ đạo các đăng kiểm viên và nhân viên của trung tâm khi tiếp nhận các xe đến đăng kiểm cần xác định các lỗi kỹ thuật để bắt lỗi, nhận tiền từ các chủ xe (mức giá tùy theo lỗi để quy số tiền tương đương).

Ngoài các khoản phí đăng kiểm theo quy định được nạp vào cho bộ phận kế toán, các nhân viên này xác định những xe bị lỗi khi đăng kiểm; đồng thời báo cho chủ xe biết và yêu cầu phải đưa thêm tiền để nhân viên đăng kiểm xóa lỗi và cho đăng kiểm trót lọt.

Lật tẩy hành vi phạm tội có tổ chức tại hai trung tâm đăng kiểm ở Đồng Nai
TTĐK xe cơ giới 60-04D. Ảnh: TL

Đối tượng Trần Đức Duy - Phó giám đốc TTĐK xe cơ giới 60-04D, cũng khai nhận, khi có người quen gửi xe vào trung tâm để đăng kiểm nếu phát hiện có các lỗi kỹ thuật thì Duy sẽ cùng các nhân viên bỏ qua lỗi và nhận tiền từ các chủ xe với giá thỏa thuận. Số tiền này sau đó được Duy đưa cho Tú để chia lại cho các nhân viên khác trong trung tâm. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, mở rộng đối với các sai phạm liên quan.

Theo Luật sư Đỗ Duy Hiếu - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, hành vi nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn của các phương tiện xe cơ giới khi đăng kiểm của 2 TTĐK nói trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông; gây nguy hiểm cho người và các phương tiện khác khi tham gia giao thông và rất cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự./.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, trong đó có 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp; 64 đơn vị thuộc các sở giao thông vận tải và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sau khi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ra đời đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, từ đó xuất hiện cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng; thậm chí một số đơn vị đã có những hành vi thực hiện sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, thực hiện các hành vi giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật hình sự.