Áp thuế với phân bón tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong nước Đưa phân bón vào chịu thuế giá trị gia tăng giúp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành Áp thuế giá trị gia tăng phân bón 5%, nông dân được hưởng lợi

Ngày 26/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Theo đó, từ ngày 1/7/2025, phân bón sẽ trở thành mặt hàng chịu thuế VAT đầu ra với mức thuế suất 5%.

Trước đây, theo quy định của Luật sửa đổi các Luật về thuế số 71/2014/QH13, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, phân bón được xếp vào nhóm không chịu thuế VAT đầu ra. Tuy nhiên, quy định này đã còn tạo một số bất cập cho ngành phân bón trong nước.

Lợi nhuận doanh nghiệp phân bón sẽ gia tăng nhờ chính sách thuế mới

Cụ thể, trong báo cáo phân tích ngành phân bón, các chuyên gia từ MBS Research chỉ ra rằng, khi phân bón không chịu thuế VAT đầu ra, các doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào, dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Để bù đắp, giá bán phân bón trong nước phải điều chỉnh tăng, khiến sản phẩm nội địa khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Điều này tạo áp lực lớn lên người tiêu dùng, đặc biệt là nông dân, và thúc đẩy việc chuyển sang sử dụng phân bón nhập khẩu. Trong khi đó, các sản phẩm nhập khẩu đã được khấu trừ thuế VAT tại quốc gia xuất khẩu, nên dù chịu thuế nhập khẩu 5%, giá vẫn rẻ hơn so với phân bón sản xuất trong nước.

Trước đó, SSI Researh cũng dự phóng năm 2025, kỳ vọng sự phục hồi của giá urê và biên lợi nhuận của mảng phân bón tự doanh vẫn tiếp diễn nhưng với tốc độ hạn chế hơn.

Việc sửa đổi Luật Thuế VAT, áp dụng thuế suất 5% cho phân bón, được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế trên. Các doanh nghiệp trong nước sẽ được hoàn thuế VAT đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó cải thiện lợi nhuận.

Chi phí nguyên vật liệu đầu vào thường chiếm 50-80% tổng chi phí sản xuất, và chịu thuế VAT từ 5 - 10%. Việc được khấu trừ thuế VAT sẽ giảm áp lực tài chính đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Lợi nhuận doanh nghiệp phân bón sẽ gia tăng nhờ chính sách thuế mới

Về mặt lý thuyết, áp dụng thuế VAT đầu ra có thể khiến giá bán phân bón tăng, nhưng lợi nhuận cải thiện sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa điều chỉnh giá bán, nâng cao tính cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu. Điều này không chỉ giúp ngành sản xuất phân bón nội địa phục hồi, mà còn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng cuối cùng nhờ giá bán ổn định hơn trong dài hạn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các phân khúc đều được hưởng lợi từ thay đổi này. Phân đơn như ure, lân và DAP sẽ được hưởng lợi lớn nhờ khả năng khấu trừ thuế VAT đầu vào. Ngược lại, các nhà sản xuất phân NPK ít được hưởng lợi, do nguyên liệu chính của họ là phân đơn, vốn đã được áp dụng thuế VAT đầu ra.

Dù thay đổi luật thuế được kỳ vọng sẽ hỗ trợ lợi nhuận của ngành phân bón trong năm 2025, việc thời gian áp dụng chính sách bị lùi đến tháng 7/2025 có thể khiến mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn dự báo ban đầu.

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia từ MBS Research, đây vẫn được xem là một động lực tích cực giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của ngành phân bón trong nước./.