Theo cơ quan soạn thảo, Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (TCKTHT) được xây dựng nhằm mục đích tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã (HTX); tạo điều kiện thuận lợi để các TCKTHT phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất HTX, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, xây dựng hệ sinh thái các TCKTHT mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Các quy định tại Luật Các TCKTHT được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các TCKTHT trong bối cảnh mới.

Xây dựng một luật chung thống nhất cho các đối tượng trong khu vực kinh tế tập thể, lấy đối tượng HTX là trung tâm, đối xử bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật các tổ chức kinh tế hợp tác: Kỳ vọng phát triển kinh tế tập thể lớn mạnh
Ảnh: TL minh họa

Dự thảo Luật đã bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 5 nhóm chính sách tại đề nghị xây dựng dự án Luật đã được thông qua.

Một là, nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX.

Hai là, nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình TCKTHT, tổ chức đại diện.

Ba là, nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển.

Bốn là, nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành HTX.

Năm là, nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Về chính sách hỗ trợ và quản lý nhà nước đối với TCKTHT, dự thảo Luật bổ sung một chương riêng quy định về chính sách hỗ trợ đối với TCKTHT trên cơ sở 8 nhóm chính sách hỗ trợ đưa ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; bổ sung, hoàn thiện từ Điều 6 Luật HTX năm 2012, tham khảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quy định, chính sách khác có liên quan.

Dự án Luật đã được thiết kế với nhiều điểm tiến bộ giống như Luật Doanh nghiệp: cho phép TCKTHT đăng ký bằng nhiều hình thức trực tuyến, gửi qua đường bưu chính hoặc trực tiếp; tổ chức đại hội thành viên bằng trực tuyến; bỏ phiếu biểu quyết điện tử; cho phép tự quyết định con dấu, chữ ký số; giảm tỷ lệ thành viên tham dự để tạo điều kiện tổ chức đại hội thành viên; cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thời giản, cắt giảm thủ tục... đã tạo điều kiện hơn, môi trường pháp lý thông thoáng hơn cho các TCKTHT giống như doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp.​​​

Với nhiều quy định mới được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất hợp tác xã.