Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ngành điện, năng lượng tái tạo TP. Hồ Chí Minh thu hút đầu tư dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh

Theo báo cáo mới nhất của Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) về ngành Năng lượng Tái tạo (NLTT), các chuyên gia nhận định rằng các quy định mới trong Luật Điện lực sẽ giúp định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động mua bán điện trực tiếp (DPPA), đồng thời thúc đẩy Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn triển khai cơ chế DPPA.

Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, các bên tham gia thị trường đang chờ đợi hướng dẫn chi tiết từ cơ quan quản lý về các yếu tố kỹ thuật như mức phí truyền tải, phí dịch vụ hệ thống điện, cùng với các quy trình giám sát hoạt động DPPA.

Luật Điện lực sửa đổi: Tạo điều kiện cho mua bán điện trực tiếp

Các chuyên gia cho rằng Luật Điện lực cần được sửa đổi để bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia, và dự kiến Bộ Công Thương sẽ ban hành các quy định chi tiết hỗ trợ các đơn vị phát điện và khách hàng mua điện khi luật được thông qua.

Thành công trong triển khai DPPA sẽ góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy các dự án điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam và hỗ trợ các dự án NLTT chuyển tiếp trong 5 năm qua đi vào hoạt động thương mại.

Vài năm trở lại đây, hạ tầng năng lượng và quy trình pháp lý phức tạp đã khiến nhiều dự án NLTT gặp khó khăn trong vận hành hiệu quả và làm chậm tiến độ các dự án mới. Đặc biệt, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng quá tải do sự phát triển nhanh của các dự án NLTT.

Luật Điện lực sửa đổi: Tạo điều kiện cho mua bán điện trực tiếp

Điều này dẫn đến việc nhiều nhà máy phải hoạt động dưới công suất tối ưu, gây thiệt hại kinh tế. Các dự án NLTT chuyển tiếp còn gặp trở ngại trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý cần thiết để vận hành thương mại.

Trước khi có cơ chế DPPA, các dự án đã vận hành chỉ có thể bán điện cho EVN với mức giá tạm thời thấp hơn đáng kể so với giá FIT khi dự án bắt đầu, dẫn đến khó khăn về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và cản trở dòng vốn đầu tư mới vào ngành.

Về dòng tiền, theo VIS Rating, dòng tiền yếu là nguyên nhân khiến nhiều trái phiếu NLTT bị chậm thanh toán gốc/lãi và tỷ lệ thu hồi nợ ở mức thấp.

Theo VIS Rating, các tập đoàn lớn về NLTT trong nước nhờ có danh mục dự án đa dạng, được đánh giá có khả năng xử lý nợ tốt hơn so với các doanh nghiệp chỉ sở hữu một dự án duy nhất.

Trong 2 năm qua, 19.000 tỷ đồng trái phiếu từ 16 doanh nghiệp NLTT đã gặp tình trạng chậm trả, với 90% trong số này là các dự án NLTT chuyển tiếp chưa thể vận hành thương mại hoặc phải bán điện với giá thấp hơn dự kiến. Một số trái phiếu đã được gia hạn lên đến 2 năm trong kỳ vọng dòng tiền sẽ cải thiện dần.

Trong dài hạn, DPPA sẽ hỗ trợ nhu cầu năng lượng sạch của Việt Nam và giúp thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII (PDP8), đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư mới và phát hành trái phiếu ngành năng lượng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện NLTT, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng và thu hút vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu trong Quy hoạch điện VIII.