Theo báo cáo giữa năm nay của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu điện toàn cầu được dự báo tăng khoảng 4% năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng, với tỷ lệ trong cơ cấu toàn nguồn cung cấp điện tăng từ 30% vào năm 2023 lên 35% vào năm 2025.

Riêng đối với Việt Nam, Statista - công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo, sản lượng điện năm 2024 dự kiến đạt 282,40 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt 2,99% (2024 - 2029). Trong đó, sản lượng năng lượng tái tạo ước đạt 120,30 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 3,39%.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ngành điện, năng lượng tái tạo
Cùng với xu hướng thế giới, Việt Nam đang có một sự chuyển dịch lớn diễn ra trong cơ cấu sản lượng điện. Ảnh: Gia Linh.

Trong bối cảnh công suất các nguồn điện ngày càng tăng, hệ thống lưu trữ năng lượng (Energy Storage System - ESS) đang được xem là một giải pháp tiềm năng. Thị trường lưu trữ năng lượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán sẽ đạt 75,56 tỷ USD vào năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) lên tới 14,2% (Precedence Research, 2023 - 2032). Xu hướng phát triển này phản ánh sự gia tăng mối quan tâm về an ninh năng lượng và nhu cầu cấp thiết với các giải pháp dự phòng điện.

Tình hình kinh tế Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2024 duy trì xu hướng tích cực. Ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng lạc quan với chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) tháng 7 ước tính tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tính chung 7 tháng đầu năm, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm (theo Tổng cục Thống kê, 28/7/2024).

“Trong 10 năm tới, các tổ chức quốc tế đang kêu gọi thực hiện chuyển đổi sâu sắc hệ thống. Cuộc đua vì Zero cacbon của Liên hợp quốc đã xác định điểm bùng phát trong lĩnh vực năng lượng sạch khi đạt được 60% thị phần năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, bao gồm 30% từ năng lượng gió và mặt trời. Tổng mức đầu tư toàn cầu hàng năm vào năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng hệ thống hỗ trợ cần tăng từ 380 tỷ USD vào năm 2020 lên 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2030.” - theo đánh giá của IEA.

Việt Nam - điểm đến không thể bỏ lỡ cho doanh nghiệp ngành điện, năng lượng tái tạo
Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) hứa hẹn tạo cơ hội cho việc đầu tư phát triển nguồn điện năng xanh, giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ảnh: Gia Linh

Cùng với xu hướng thế giới, Việt Nam đang có một sự chuyển dịch lớn diễn ra trong cơ cấu sản lượng điện. Sản lượng từ điện tái tạo đã và đang gia tăng tỷ trọng nhanh chóng.

Theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, đến năm 2030, cơ cấu nguồn điện nghiêng mạnh sang các nguồn năng lượng tái tạo với tỷ lệ 27%. Trong đó, điện gió trên bờ chiếm 14,5% tổng công suất các nhà máy điện, điện gió ngoài khơi là 4%, điện mặt trời là 8,5%.

Mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Cơ chế này được ban hành mang đến nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp điện tái tạo.

DPPA hứa hẹn tạo cơ hội cho việc đầu tư phát triển nguồn điện năng xanh, giúp doanh nghiệp sớm có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon để tăng sức cạnh tranh hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

“Bộ Công thương luôn đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ những hoạt động thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng, điện và HVAC. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành điện, năng lượng, cũng như HVAC và trung tâm dữ liệu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thời đại hội nhập.” - bà Nguyễn Vân Nga - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công thương, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Công thương tại, miền Nam chia sẻ.

Tại Triển lãm lần thứ 9 về Công nghệ, thiết bị và giải pháp điều phối và truyền tải điện tại Việt Nam - Electric and Power Vietnam 2024 và Triển lãm Quốc tế lần thứ 16 về công nghệ HVAC, hệ thống làm lạnh và tòa nhà thông minh tại Việt Nam - HVACR Vietnam 2024 diễn ra từ ngày 4 đến 6/9 tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Vân Nga đánh giá, đây chính là minh chứng rõ nét cho sự cam kết mạnh mẽ của hai triển lãm trong việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành điện, năng lượng, cũng như công nghệ HVAC và tòa nhà thông minh.

Sự kết hợp này không chỉ mở ra những cơ hội mới cho tương lai của ngành, mà còn tạo nền tảng cho sự đổi mới và sáng tạo. Các công nghệ tiên tiến và giải pháp đột phá của các doanh nghiệp trong ngành chính là chìa khóa giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững. Đây là thời điểm quan trọng để người dân Việt Nam tìm kiếm những giải pháp thông minh, vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.