Số liệu vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổng hợp dựa trên báo cáo tài chính quý III/2017 của các CTCK.

Theo VDSC, lượng margin có lẽ tăng nhiều nhất vào giai đoạn quý II năm nay, với mức tăng 12% so với quý I. Những công ty có mức margin trên 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn quý II chiếm 67% tổng dư nợ toàn thị trường và đạt mức tăng bình quân 15%, trong đó có những công ty như ACBS, VCI tăng rất mạnh 45% và 34%. Hầu hết các CTCK đều tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi trong giai đoạn 7 tháng đầu năm để đẩy mạnh hoạt động cho vay margin. Do đó, có thể thấy kết quả kinh doanh trong giai đoạn nửa đầu 2017 của các CTCK đều rất khả quan ở mảng kinh doanh môi giới.

Bước sang tháng 8, thị trường có dấu hiệu bắt đầu chững lại cũng là lúc các CTCK khống chế lại dư lượng margin của mình. Mức tăng margin dù duy trì ở mức 12% cả toàn thị trường nhưng xét những công ty có dư nợ margin trên 1.000 tỷ đồng, chỉ có 5 công ty gồm SSI, VCI, MBS, VND, VDS vẫn duy trì mức độ tăng trên 2 con số, còn lại đều tăng rất nhẹ hoặc thậm chí giảm như FTS, SHS. Thanh khoản thị trường giai đoạn này cũng sụt giảm với giá trị giao dịch khớp lệnh trên 2 sàn giảm từ 4.362 tỷ đồng trong quý II còn 3.917 tỷ đồng cũng phần nào phản ánh việc các CTCK thận trọng hơn trong hoạt động hỗ trợ cho vay margin.

Công ty này cho rằng, hiện tại, dù chỉ số vẫn xanh nhưng nhiều cổ phiếu có hiện tượng bán ra khá mạnh. Đồng thời, không có dữ liệu chính xác mức margin hiện tại là bao nhiêu, cũng như các con số thống kê chỉ mang tính thời điểm cuối quý III, nên nhà đầu tư cần thận trọng. Trên thực tế, VDSC cho rằng, mức độ margin có lẽ còn cao hơn các con số trên báo cáo tài chính của các CTCK. Việc chỉ số xanh có thể khiến nhiều nhà đầu tư bị “ru ngủ” và mất cảnh giác với margin call./.

D.T