vu duc dam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Thông tin được công bố tại hội thảo Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức, ngày 29/3. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Diện bao phủ BHXH vẫn ở mức thấp

Báo cáo tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến hết năm 2016, cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hàng năm, có khoảng 4-5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150 nghìn người hưởng các chế độ BHXH dài hạn.

Đến nay, đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, chính sách BHXH hiện nay còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Diện bao phủ BHXH của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Nhiều người lao động chưa được tham gia BHXH và được bảo vệ trước những rủi ro trong quá trình làm việc như ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp và nhiều người già không có lương hưu, phải tự lo hoặc sống phụ thuộc vào con cái.

Đồng thời, Quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Theo tính toán của ILO thì nếu không có những điều chỉnh về chính sách thì quỹ hưu trí và tử tuất ở Việt Nam có thể mất cân đối vào năm 2034. Bên cạnh đó, hệ thống các chế độ BHXH còn chưa đa dạng và linh hoạt nên thiếu hấp dẫn với người dân…

Còn theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực tế hiện nay việc chưa nắm được số lao động thực chất thuộc diện đóng BHXH chính là một lỗ hổng rất lớn. Số liệu của ILO cho thấy, tại các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ đóng BHXH khá cao nhưng ở khu vực doanh nghiệp tư nhân hay FDI thì hiện mới có 7,5 triệu người.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện đang xây dựng hai hệ thống bảng lương, một là bảng lương để quyết toán với cơ quan thuế, bình quân khoảng 6 triệu đồng nhưng bảng lương để đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ bằng hoặc cao mức lương tối thiểu rất ít.

Chính sách phải hài hòa

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mở rộng các đối tượng tham gia BHXH không phải là câu chuyện mới đặt ra mà vấn đề này đã được bàn nhiều năm. Song, những năm qua số lượng người tham gia BHXH không được nhiều và tỷ lệ không cao nên cần phải tính đến các giải pháp, chính sách căn cơ hơn để đạt đươc các chỉ tiêu đó.

Trong khi chưa có những chính sách thay đổi căn bản thì vẫn phải cố gắng để mở rộng diện bao phủ BHXH trong khả năng. Việt Nam là một quốc gia có nhiều đặc thù riêng nên các chính sách thiết kế phải đảm bảo công bằng và hài hòa trong mọi bối cảnh.

Phó Thủ tướng cho rằng, bảo hiểm là vấn đề liên ngành cũng như không chỉ là vấn đề luật pháp mà còn là thói quen trong xã hội. Lấy dẫn chứng, theo Phó Thủ tướng, phía doanh nghiệp cho rằng đất nước muốn phát triển thì phải cải thiện môi trường đầu tư. Một trong những điều kiện đó là làm sao mức thuế và tỷ lệ đóng bảo hiểm thấp đi nhưng điều này lại đi ngược lại với tiếng nói của phía tổ chức người lao động.

Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng dù có đặc thù nhưng hệ thống BHXH của Việt Nam cũng như các giải pháp đề ra nhằm mở rộng diện bao phủ BHXH về cơ bản vẫn phải phù hợp với quy luật quốc tế và phải thống nhất về mặt nguyên tắc.

Bên cạnh đó, hiện nay tốc độ già hóa của Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, trong khi lẽ ra tất cả các chính sách để chuẩn bị cho quá trình này đều phải được chuẩn bị trước ít nhất là 15 - 20 năm.

Theo Phó Thủ tướng, dù Luật BHXH 2014 cũng quy định các chính sách để người lao động tự nguyện tham gia BHXH nhưng trong giai đoạn vừa qua các chính sách hỗ trợ để người lao động có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn chưa được xây dựng và ban hành đầy đủ. Đặc biệt là chính sách để hỗ trợ người lao động khi hết thời hạn hợp đồng hay hết thời gian tham gia BHXH cũng như người lao động trong khu vực phi chính thức.

Do đó, trong thời gian tới sẽ phải thiết kế các chính sách làm sao khuyến khích được lực lượng lao động đặc biệt trong khu vực không có quan hệ lao động tham gia./.

Mai Đan