Ông Viên Viết Hùng cho biết, đến tháng 9/2021 có một trường hợp hoạt động cung cấp các dịch vụ qua Google, Facebook, sau nhiều lần tuyên truyền, hỗ trợ, một cá nhân đã kê khai và nộp số tiền 11 tỷ đồng. Số thuế này được cộng dồn nhiều năm, nên số tiền chậm nộp mà cá nhân này phải thực hiện là trên 4 tỷ đồng.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cũng cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, cơ quan này đã thu được khoảng 110 tỷ đồng từ các cá nhân có hoạt động TMĐT. Số thu này tương đương với số thu của năm 2020. Tuy nhiên, số cá nhân đưa vào diện quản lý thuế tăng so với trước đó.

Theo báo cáo của Cục Thuế TP. Hà Nội, năm 2020 cục thuế đã tiến hành thanh tra đối với 14 cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, với số tiền phải nộp là 25 tỷ đồng, kiểm tra 104 cá nhân, truy thu và phạt 3,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, vì TMĐT là hoạt động mới, nên cơ quan thuế phải tuyên truyền, hỗ trợ để người nộp thuế hiểu về các quy định của pháp luật về nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, về phía cơ quan thuế cũng có những dữ liệu để kiểm soát và thực hiện các biện pháp khác nếu người nộp thuế không tự giác kê khai và nộp thuế.

Một cá nhân nộp ngân sách 11 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Hoạt động kinh doanh TMĐT ngày càng phát triển, đóng góp số thu lớn cho ngân sách. Ảnh minh họa

Các giải pháp mà Cục Thuế TP. Hà Nội đang thực hiện đối với hoạt động kinh doanh TMĐT là: Thứ nhất, cơ quan thuế nhận diện, phận loại và thu thập dữ liệu các đối tượng quản lý liên quan đến hoạt động TMĐT để có những biện pháp cụ thể đối với từng nhóm đối tượng quản lý.

Trước năm 2021 có 3 nhóm đối tượng: các cá nhân kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội; các tổ chức cung cấp sản phẩm ứng dụng, sản phẩm nội dung tại các khu vực ứng dụng Google Play, Apple Store; cá nhân cho thuê nhà thông qua ứng dụng như Agoda, Booking.com, Airbnb.

Năm 2021, bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng: nhóm cá nhân, tổ chức trả tiền cho các tổ chức nước ngoài; các sàn TMĐT.

Thứ hai, cơ quan thuế triển khai đồng bộ các giải pháp để thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế có hoạt động TMĐT như: đã phối hợp với ngân hàng thương mại; đơn vị trung gian vận chuyển, cung cấp ứng dụng dịch vụ lưu trú.

Thứ ba, giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Thứ tư, cơ quan thuế thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hình thức TMĐT trên địa bàn để rà soát, thu thập dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý.

Thứ năm, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan công an để quản lý hoạt đông TMĐT trên địa bàn đối với các trường hợp có dấu hiệu chây ỳ, không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, cơ quan thuế thường xuyên tổng hợp các vướng mắc trong quá trình triển khai về chính sách để kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với nhóm đối tượng này./.