Nhà đầu tư đặt kỳ vọng hiện tượng nghẽn lệnh sẽ được xử lý dứt điểm vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Nhà đầu tư đặt kỳ vọng hiện tượng nghẽn lệnh sẽ được xử lý dứt điểm vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Ảnh: Duy Dũng

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bất chấp nghẽn lệnh và đại dịch Covid-19 tăng điểm, liên tiếp lập kỷ lục mới cả về điểm số lẫn thanh khoản. Ngoài các nguyên nhân về kỳ vọng vĩ mô, dòng tiền mới gia nhập,… có lẽ một “trạng thái bình thường mới” đã được thiết lập, hỗ trợ đà tăng cho thị trường chứng khoán.

Chứng khoán hấp dẫn tới “khó ngờ”

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục chứng minh được là kênh hấp dẫn bậc nhất trong nửa đầu năm 2021. Việc TTCK tăng điểm mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lần 3, 4 tái diễn và tác động tiêu cực tới nền kinh tế thực sự khiến nhiều nhà đầu tư, giới chuyên gia và cả những công ty chứng khoán (CTCK) không tránh khỏi bất ngờ.

Nhớ lại thời điểm đầu năm nay, hầu hết báo cáo của các CTCK đều cho nhận định tích cực về TTCK năm 2021 song duy trì mức độ thận trọng, bởi yếu tố rủi ro có thể xuất hiện nhiều hơn. Thời điểm đó, hiếm CTCK đưa ra dự báo VN-Index có thể vượt và giữ mốc đỉnh mọi thời đại trên 1.300 điểm như hiện nay.

Chẳng hạn như, dự báo về năm 2021, CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo VN-Index có thể dao động trong vùng 1.029 – 1.271 điểm; CTCK VNDIRECT (VNDS) dự báo VN-Index có thể chạm mốc 1.180 điểm; CTCK MB (MBS) dự báo VN-Index có thể đạt 1.230 điểm; CTCK KB Việt Nam dự báo VN-Index sẽ vượt vùng đỉnh quanh 1.200 điểm; …

Tuy nhiên trên thực tế, điểm số của thị trường đã tăng mạnh hơn dự báo nhiều và liên tục có các đỉnh cao mới được thiết lập. Theo đó, không chỉ vượt mốc lịch sử 1.200 điểm, chỉ số VN-Index còn xác lập mốc khó ngờ 1.300 điểm, đạt mức 1.328,05 điểm vào cuối tháng 5, tăng 20,31% so với cuối năm 2020. Đà tăng này tiếp tục duy trì trong những phiên đầu tháng 6, khi VN-Index đạt tới 1.374,05 điểm vào ngày 4/6/2021. Như vậy, nếu so với phiên cuối cùng của năm 2020 thì VN-Index đã tăng 270,18 điểm, tương đương mức tăng gần 25% (VN-Index ngày 31/12/2020 đạt 1.103,87 điểm).

Không chỉ tăng mạnh về điểm số, TTCK Việt Nam tiếp tục lập đỉnh về thanh khoản, khi dòng tiền nhà đầu tư trong nước tham gia rất mạnh, khiến nhà đầu tư không xa lạ gì với những phiên giao dịch “tỷ đô”. Giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 12.736 tỷ đồng/ngày được xác lập vào tháng 12/2020 tưởng chừng là đỉnh, nhưng mức này nhanh chóng được vượt qua ngay trong tháng 1/2021 với 17.292 tỷ đồng/ngày. Thanh khoản chững lại vào tháng 2, tháng 3, nhưng lại tăng “chóng mặt” sau đó, khi giá trị giao dịch bình quân tháng 5 lên tới 22.428 tỷ đồng/ngày. Thậm chí, sang tháng 6, thanh khoản vẫn chưa dừng tăng, khi nhiều phiên vượt cả mốc 30.000 tỷ đồng/ngày.

Sống chung với “bình thường mới” tới hết tháng 6

Tuy vậy, việc TTCK “đỉnh chồng đỉnh”, “kỷ lục chồng kỷ lục” đã tạo ra áp lực không nhỏ tới cơ quan quản lý, đặc biệt là năng lực chịu tải của hệ thống giao dịch trên HOSE vốn đã xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh từ cuối tháng 12/2020.

Thanh khoản và số lượng lệnh tăng vượt mọi dự đoán đã khiến nỗ lực từ cơ quan quản lý và HOSE dường như rơi vào tình cảnh “muối bỏ bể”. Nhiều giải pháp cấp bách được đồng loạt triển khai như tăng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu, tạm dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HOSE và khuyến khích chuyển giao dịch tạm thời sang HNX; yêu cầu CTCK tối ưu hóa lượng lệnh; chủ động cải biến kỹ thuật;… giúp khả năng chịu tải của HOSE ngày càng tốt lên. Không thể phủ nhận sau mỗi giải pháp, thì năng lực tải lệnh của hệ thống đều có chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tháng 5, khi HOSE có những cải biến kỹ thuật, hệ thống giao dịch khá mượt mà, thậm chí vẫn tốt trong những phiên thanh khoản “tỷ đô”. Tuy nhiên, khi hệ thống tốt lên, thì các khoảng trống nhận lệnh của HOSE nhanh chóng bị lấp đầy. Tính tới cuối tháng 5/2021, lượng lệnh bình quân/ngày trên HOSE đã tới con số trên 640.000 lệnh/ngày, tăng gần gấp đôi so với năm 2020, gấp khoảng 4 lần năm 2019, 2018. Hay một so sánh khác là, số lượng lệnh bình quân ngày tính hết cuối 5/2021 đã gần tương đương với 3 năm 2018, 2019, 2020 cộng lại. Chưa dừng ở đó, những hiên đầu tháng 6/2021, lượng lệnh bình quân ngày đã gần chạm ngưỡng năng lực nhận lệnh theo thiết kế của hệ thống (900.000 lệnh/ngày).

BD

Việc lượng lệnh vào hệ thống chạm ngưỡng thiết kế cũng chính là lý do khiến tình trạng nghẽn lệnh xuất hiện trở lại và có chiều hướng nặng hơn vào các phiên đầu tháng 6/2021, thậm chí HOSE đã phải chủ động tạm dừng phiên giao dịch chiều 1/6.

Việc nghẽn lệnh kéo dài khiến nhà đầu tư trên thị trường không tránh khỏi bức xúc – đây cũng dễ hiểu bởi ai đầu tư đều mong muốn nhận được dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, TTCK không những không giảm nhiệt mà còn tăng mạnh mẽ hơn cả điểm số lẫn thanh khoản – điều này chứng tỏ một “trạng thái bình thường mới” đã được thiết lập. Hệ thống giao dịch của HOSE đã có tuổi đời hơn 20 năm, với năng lực thiết kế có giới hạn. Nhiều giải pháp cấp bách đều được áp dụng để giảm nghẽn lệnh, nhưng không có giải pháp nào hoàn hảo và cái nào nào cũng có ưu, nhược riêng. Dù bất tiện, nhưng nhà đầu tư vẫn “hành động” chờ thị trường có hệ thống giao dịch mới để khắc phục triệt để tình trạng nghẽn lệnh.

Theo thông tin từ HOSE, hiện hệ thống giao dịch phối hợp với FPT xây dựng đang đi vào những khâu cuối cùng. Dự kiến, hệ thống này sẽ được vận hành vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm trên diện rộng. Theo thông tin ban đầu, hệ thống mới mà HOSE và FPT xây dựng có năng lực thiết kế từ 3 – 5 triệu lệnh/ngày, vượt xa con số lệnh thực tế hiện nay. Chính vì vậy, trạng thái “bình thường mới” trên TTCK sẽ còn kéo dài tới cuối tháng 6 này. Thời điểm này, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một hệ thống mới sắp được vận hành với năng lực nhận lệnh vượt trội và quan trọng là không còn nghẽn lệnh trong một tương lai rất gần.

Duy Thái