Năm 2024, liệu có thiếu thuốc, vật tư y tế?
Đến thời điểm này nhiều bệnh viện đã đáp ứng tương đối đủ thuốc, vật tư y tế điều trị cho người bệnh. Ảnh: TL

Nỗ lực để có thuốc, vật tư y tế điều trị cho người bệnh

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 1/2023 đến nay, bệnh viện đã đấu thầu, trúng thầu với số lượng khá lớn thiết bị, vật tư tiêu hao, cũng như thuốc để phục vụ khám chữa bệnh.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã trúng thầu gói thiết bị 4 máy cộng hưởng từ và 2 máy CT. Với các thiết bị mới này và các máy đang sửa chữa, bệnh viện có gần chục máy cộng hưởng từ phục vụ bệnh nhân đến khám, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí rất lớn.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong mua sắm, đấu thầu tại đơn vị, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, bên cạnh việc đoàn kết, thống nhất, tập trung của tập thể bệnh viện, Bệnh viện Bạch Mai đã kiện toàn Ban Phòng chống tham nhũng và giáo dục công tác phòng chống tham nhũng đến cán bộ làm công tác đấu thầu, mua sắm, để có thể tự tin mua sắm, không vướng vào vấn đề “hoa hồng” với các nhà thầu.

Thứ hai, trong các hợp đồng thầu, bệnh viện đưa hẳn vào bài thầu vấn đề phòng chống tham nhũng với các công ty tham gia mua sắm. Bệnh viện luôn tạo điều kiện bình đẳng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu, nhưng cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng, không mua chuộc cán bộ của bệnh viện. Nếu bệnh viện phát hiện các doanh nghiệp mua chuộc cán bộ, sẽ dừng hợp đồng, báo các cơ quan chức năng hỗ trợ bệnh viện về vấn đề tư pháp.

Thứ ba, bệnh viện giáo dục cán bộ tránh tình trạng thông đồng với doanh nghiệp. Vì vậy, một loạt gói thầu của bệnh viện đã giảm được giá so với giá kế hoạch giảm từ 15 - 30%, nhờ đó giảm được ngân sách nhà nước và ngân sách từ quỹ phát triển bệnh viện.

Còn theo TS. Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E, trước đây, đã có thời điểm bệnh viện thiếu một số thuốc thiết yếu như betadine, thuốc gây tê trong điều trị bệnh răng miệng… Tuy nhiên, đây là tình trạng xảy ra một thời gian ngắn và ở một số loại thuốc.

Một trong những lý do là việc thủ tục đấu thầu thường bị trục trặc kéo dài, trong khi các đợt thầu trước đã hết, dẫn đến tình trạng thiếu. Bên cạnh đó, việc các thuốc quá rẻ, dẫn tới bệnh viện "gọi thầu" mãi nhưng không có doanh nghiệp tham gia đấu thầu vì không có lãi, thủ tục lại phức tạp, rườm rà.

Để giải quyết “bài toán" này, TS. Nguyễn Công Hựu cho biết, bệnh viện phải tổ chức các cuộc họp Đảng ủy, Ban lãnh đạo… tìm các nguồn tài chính hợp pháp để mua thuốc đảm bảo điều trị cho người bệnh. Đến thời điểm này, bệnh viện đã đáp ứng tương đối đủ thuốc, vật tư y tế điều trị cho người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện E hy vọng, trong thời gian ngắn tới đây, với hướng dẫn rõ ràng chi tiết của các cơ quan chức năng, công tác đấu thầu trong bệnh viện sẽ được giải quyết.

Bảo đảm cung ứng kịp thời khi Luật Đấu thầu có hiệu lực

Năm 2024, liệu có thiếu thuốc, vật tư y tế?

Ông Dương Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và các cơ sở y tế sẽ thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo luật này.

Để chuẩn bị cho việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, đồng thời, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 trong lĩnh vực y tế.

Theo ông Thiện, Bộ Y tế đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo thông tư ban hành danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá, thông tư ban hành các danh mục thuốc phục vụ công tác đấu thầu, thông tư quy định về cơ chế đối với thuốc hiếm được Nhà nước bảo đảm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, thời gian qua, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế để các đơn vị áp dụng thực hiện: Luật Khám chữa bệnh số 15/2023/QH15; Nghị quyết số 80/2023/QH15; Nghị quyết 30/NQ-CP; Thông tư số 14/2023/TT-BYT…

Trong đó, nhiều giải pháp căn cơ đã được đưa ra, tạo hành lang pháp lý, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong từng nội dung thực hiện, tạo điều kiện khuyến khích các đơn vị yên tâm, chủ động, tích cực triển khai thực hiện, giúp cơ sở y tế công lập mua sắm được trang thiết bị y tế phù hợp với yêu cầu chuyên môn, vận hành khai thác, sử dụng hiệu quả.

Hệ thống văn bản pháp luật tiếp tục được hoàn thiện

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, năm 2024, hệ thống văn bản pháp luật về thuốc và trang thiết bị y tế tiếp tục được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế được rõ ràng, minh bạch cho các đơn vị tham gia đấu thầu và cán bộ y tế yên tâm thực hiện. Việc này sẽ giải quyết căn cơ hướng tới khắc phục triệt để vấn để thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.