Một số loại tài sản chưa có trong Báo cáo nhà nước năm 2020

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, phạm vi tài sản nhà nước được phản ánh trong Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) năm 2020 gồm tài sản nhà nước hiện đang theo dõi, quản lý tại các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, phần lớn tài sản của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp…

Ngoài ra, BCTCNN cũng đã phản ánh được một phần giá trị tài sản kết cấu hạ tầng, gồm hạ tầng giao thông đường bộ do trung ương và địa phương quản lý và công trình nước sạch nông thôn tập trung (trong đó năm 2020 đã rà soát, chuẩn hóa, cập nhật thêm số liệu của cấp huyện tại một số địa phương).

Đồng thời, BCTCNN năm 2020 đã bổ sung, trình bày các thông tin phân tích, thuyết minh cụ thể hơn cho các số liệu, chỉ tiêu như: thông tin đánh giá về tài sản, làm rõ phạm vi số liệu về tài sản trong báo cáo, bổ sung thông tin chi tiết về hiện vật của một số tài sản kết cấu hạ tầng (đường bộ, thủy lợi, hàng hải); bổ sung thông tin thuyết minh về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong báo cáo; bổ sung thông tin phân tích, thuyết minh về nợ phải trả của khu vực nhà nước, mối quan hệ với nợ công… Ngoài ra, các thuật ngữ được sử dụng trong báo cáo cũng đã được giải thích, thuyết minh, làm rõ hơn.

Nguồn: Tạp chí Tài chính Infographic: T.L
Nguồn: Tạp chí Tài chính

Tuy nhiên, qua 3 năm (2018, 2019, 2020) triển khai lập BCTCNN, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hoàn thành tổng hợp BCTCNN. Nhưng BCTCNN năm 2020 chưa bao gồm các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt quốc gia, đường thủy nội địa và hạ tầng thủy lợi.

Nguyên nhân là do các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kiểm kê, phân loại, xác định giá trị tài sản và thực hiện việc giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản; chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu; chưa thực hiện chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước.

Đồng thời, BCTCNN năm 2020 chưa có thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng thương mại, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp và khu kinh tế, hạ tầng khu công nghệ cao, hạ tầng khu đô thị, đê điều, di sản, cổ vật... Nguyên nhân là do quy định về quản lý tại luật chuyên ngành chưa được ban hành, hoặc chưa đầy đủ và đồng bộ với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tài sản là đất đai của nhà nước cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuê đất cũng chưa có thông tin trong BCTCNN năm 2020 do phạm vi BCTCNN hiện nay chỉ tổng hợp giá trị vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp.

Đặc biệt, do các hướng dẫn chế độ kế toán (CĐKT) hành chính sự nghiệp và các CĐKT áp dụng cho đơn vị kế toán thuộc khu vực nhà nước khác còn mới, nên việc tổng hợp báo cáo của các đơn vị kế toán thuộc khu vực nhà nước những năm đầu còn nhiều lúng túng và thiếu. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do các cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị, phần mềm kế toán, chưa chỉ đạo sát sao việc cung cấp thông tin báo cáo theo quy định, nên chất lượng thông tin báo cáo còn hạn chế.

Sớm hoàn thành dữ liệu quốc gia về tài sản công

Bà Nguyễn Thị Hoài - Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước, KBNN cho biết, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc để từng bước hoàn thiện BCTCNN, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chuẩn mực kế toán công Việt Nam; sửa đổi, bổ sung các quy định về việc cung cấp thông tin, tổng hợp, lập BCTCNN và chế độ kế toán nhà nước.

Cần sự ủng hộ, phối hợp của các cấp, các ngành

Kho bạc Nhà nước cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Newzeland… cho thấy, thông thường các quốc gia cần 7 - 10 năm để chuyển sang kế toán dồn tích và lập Báo cáo tài chính chính phủ. Với nền tài chính công Việt Nam hiện nay, để hoàn thiện Báo cáo tài chính nhà nước, một mặt Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định trong tổng hợp, lập báo cáo, mặt khác, rất cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương trong quá trình nghiên cứu, xây dựng lộ trình hoàn thiện báo cáo, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; quy định cụ thể trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản đặc thù; tăng cường đào tạo hướng dẫn và phổ biến kiến thức về lập, tổng hợp, cung cấp thông tin tài chính để tổng hợp, lập BCTCNN.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị, phần mềm kế toán, chỉ đạo sát sao việc cung cấp thông tin báo cáo đầu vào để đảm bảo chất lượng của BCTCNN; đẩy mạnh việc sử dụng thông tin, số liệu BCTCNN cho việc phân tích, hoạch định chính sách, quản lý, điều hành các nguồn lực của địa phương.

Ngoài ra, để từng bước tổng hợp tài sản kết cấu hạ tầng nhà nước, hoàn thiện BCTCNN các năm tiếp theo đảm bảo phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính rà soát đánh giá thực trạng, nghiên cứu các giải pháp cũng như xây dựng kế hoạch, lộ trình hoàn thiện BCTCNN.

Theo đó, Bộ Tài chính đang tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện chính sách về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước, kiểm kê, phân loại, xác định giá trị tài sản hạ tầng hiện có để thực hiện giao, quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả.

Quy định lập Báo cáo tài chính nhà nước đã được ban hành

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, để phục vụ công tác quản lý, điều hành đất nước, đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện thông tin tài chính nhà nước một cách đầy đủ, trung thực và phù hợp với thông lệ quốc tế. Triển khai Luật Kế toán 2015, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết và triển khai lập BCTCNN để phản ánh bức tranh tổng thể về tài chính nhà nước gồm các thông tin tổng tài sản, tổng nguồn lực, thu nhập, chi phí và lưu chuyển tiền tệ của khu vực nhà nước.

Đến thời điểm năm tài chính 2020, các chế độ kế toán liên quan đã được ban hành đầy đủ, áp dụng đối với toàn bộ các đơn vị thuộc khu vực nhà nước, cung cấp đầy đủ thông tin cơ sở để lập BCTCNN như: Thông tư số 70/2019/TT-BTC ngày 30/10/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã và Thông tư số 79/2019/TT-BTC ngày 14/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công để áp dụng từ năm tài chính 2020.

Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước đã chủ động ban hành, phối hợp với các đơn vị liên quan trình cấp thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về công tác triển khai tổng hợp, lập BCTCNN năm 2020 cho các đơn vị Kho bạc Nhà nước; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ và công trình nước sạch nông thôn tập trung trên cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để có căn cứ cập nhật trên BCTCNN năm 2020; hướng dẫn tổng hợp thông tin tài chính của các đơn vị đặc thù chuyển sang áp dụng chế độ kế toán mới từ năm tài chính 2020…