Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng được ban hành nhằm triển khai chỉ đạo của NHNN đến các đơn vị thuộc ngành trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và các nội dung tại đề án.

Theo đó, các đơn vị thuộc NHNN, trong đó có BHTGVN cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) và các văn bản quy định pháp luật có liên quan theo hướng bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các TCTD tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; bổ sung chức năng nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém.

Bên cạnh đó, BHTGVN cũng được giao nhiệm vụ cùng Ngân hàng Hợp tác xã phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND.

Như vậy có thể thấy, sửa đổi Luật BHTG là một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, nhằm hướng tới hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG, cũng như đồng bộ với hệ thống quy định pháp luật có liên quan, tiêu biểu có Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017; từ đó tạo nền tảng cho BHTGVN ngày càng tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn tiếp theo.

Nâng cao vai trò Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng
BHTGVN ngày càng tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới BHTGVN cho biết sẽ tích cực phát huy vai trò của mình, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn về hoạt động BHTG. Trong đó, tiến tới sớm sửa đổi bổ sung Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hướng tới áp dụng các thông lệ quốc tế trong hoạt động nghiệp vụ nhằm đáp ứng chức năng và nhiệm vụ mới của BHTGVN, trong đó bao gồm: Cải tiến chất lượng giám sát, cảnh báo sớm nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời vi phạm, rủi ro gây mất an toàn hệ thống; nâng cao hiệu quả kiểm tra tại chỗ việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, bao gồm kiểm tra tính chính xác của thông tin về tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG phục vụ việc triển khai chính sách BHTG.

Phối hợp chặt chẽ với NHNN trước, trong và sau quá trình kiểm soát đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền; Xây dựng quy trình cho vay đặc biệt đối với các TCTD và quy trình mua trái phiếu dài hạn đối với TCTD hỗ trợ đảm bảo an toàn; Nâng cao hiệu quả công tác chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả với mục tiêu rút ngắn thời gian chi trả; Tham gia tích cực vào quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG thuộc diện phải chi trả nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi với tư cách là chủ nợ.

Thứ ba, nâng cao năng lực tài chính và thể chế để tham gia xử lý, cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống các TCTD. BHTGVN cần có lộ trình, kế hoạch tăng năng lực tài chính và thể chế nhằm đảm bảo khả năng giải quyết nhanh chóng các TCTD gặp vấn đề, đồng thời có cơ chế phù hợp cho việc xử lý các tổn thất trong hoạt động BHTG.

Thứ tư, xây dựng, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, tổ chức bộ máy để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới. Ngoài ra, BHTGVN cần đảm bảo ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ việc khai thác, chia sẻ và quản lý thông tin để ứng phó kịp thời với sự cố có thể xảy ra tại các tổ chức tham gia BHTG.

Ngoài ra, BHTGVN cần đảm bảo ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ việc khai thác, chia sẻ và quản lý thông tin nhằm phản ứng và xử lý kịp thời đối với các sự kiện ngân hàng xảy ra./.