Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có 3 nhóm chính sách hỗ trợ chính là: nhóm chính sách về bảo hiểm; nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền; nhóm chính sách cho vay vốn.

Theo đó, nhóm chính sách cho vay vốn nhằm hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất. Cụ thể, 7.500 tỷ đồng sẽ được cho người sử dụng lao động vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với lãi suất 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 2.315,5 tỷ đồng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP
Kinh phí hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất là 7.500 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo tổng hợp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt hồ sơ cho 2.485 lượt người sử dụng lao động vay vốn trên 2.325 tỷ đồng để trả lương cho 605.711 lượt người lao động.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 2.315,5 tỷ đồng (tương đương 31% kế hoạch dự toán), hỗ trợ 2.474 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 603.050 lượt người lao động.

Trong tổng số người sử dụng lao động được hỗ trợ vay vốn, số đơn vị sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc chiếm 58,4%; số người sử dụng lao động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất sau khi tạm dừng hoạt động chiếm 28,3%; số người sử dụng lao động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), chiếm 13,3%.

Một số địa phương có tổng kinh phí giải ngân cao là Bắc Giang (382,9 tỷ đồng), TP. Hồ Chí Minh (379,2 tỷ đồng), Đồng Nai (359,2 tỷ đồng), Bình Dương (219,7 tỷ đồng), Hà Nội (162,2 tỷ đồng), Cần Thơ (118,1 tỷ đồng), Bắc Ninh (114,4 tỷ đồng).