Tỷ giá hạ nhiệt sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận nhóm phi tài chính hai quý cuối năm?
Lãi suất huy động biến động trái chiều, tỷ giá ngân hàng trượt sâu, "thủng" mốc 25.000 VND/USD
Tỷ giá giảm “sức nóng”, nhóm ngành nào được hưởng lợi?

Trên thị trường trong nước, theo dữ liệu từ SSI Research, tính đến ngày 6/9, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do đều đồng loạt hạ nhiệt và thu hẹp mức tăng so với cuối năm 2023 xuống chỉ còn 1,5%. Chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như không đáng kể.

Hoạt động thương mại tiếp tục phục hồi tốt với mức tăng trưởng 2 con số trong tháng 8. Nhập khẩu (+12,4% so với cùng kỳ) chậm lại so với xuất khẩu (+14,5%) khi mùa cao điểm đã qua và cán cân thương mại thặng dư 19 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.

Giải ngân FDI trong 8 tháng đầu năm đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ và phần lớn giải ngân vào lĩnh vực chế biến chế tạo (80% tổng vốn giải ngân).

Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên kể từ tháng 4/2024 đã điều chỉnh giảm tỷ giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã giảm xuống mức 25.385 VND/USD, từ mức 25.450 trước đó. Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước xuống mức 25.362 VND/USD.

“Nguồn cung ngoại tệ duy trì tích cực (cán cân thương mại ước tính thặng dư 19 tỷ USD trong 8 tháng hay giải ngân FDI đạt 14 tỷ USD), và chúng tôi không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tỷ giá mua này (như giai đoạn cuối năm 2022) để có thể bổ sung thêm ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối” - chuyên gia của SSI Research cho hay.

Ngân hàng Nhà nước có thể tăng tỷ giá mua để bổ sung dự trữ ngoại hối

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố thời điểm cắt giảm lãi suất, xu hướng giảm của đồng USD tiếp diễn, đã có lúc chỉ số DXY chạm mức 100,7 điểm tại ngày 23/8 – mức thấp nhất kể từ tháng 7. Sau đó, chỉ số DXY tăng nhẹ 1% trong tuần qua nhờ những thông tin tích cực từ chỉ số niềm tin tiêu dùng. Hiện tại, thị trường đang có 2 kịch bản cắt giảm lãi suất là 25 điểm cơ bản và 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9 này với xác xuất cho 2 kịch bản này lần lượt là 73% và 27% (trước đó 1 tuần là 57% và 43%).

Ngân hàng Nhà nước có thể tăng tỷ giá mua để bổ sung dự trữ ngoại hối

Những tín hiệu về việc FED đảo chiều chính sách đã xoa dịu áp lực tỷ giá trong thời gian gần đây. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND tại ngày 6/9 đã giảm về mức 24.240 VND/USD (-2,07% so với cuối tháng 7). Tương tự trên thị trường tự do tỷ giá cũng ghi nhận giảm 1,69%, tỷ giá trung tâm hiện ở mức 24.202 VND/USD (-0,22% so với cuối tháng 7, +1,41% so với đầu năm).

“Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm không còn quá lớn, dự báo tỷ giá USD/VND sẽ giảm về ngưỡng quanh vùng 25.000 VND/USD (+3,5% so với đầu năm) dựa trên cơ sở: Giải ngân FDI, kiều hối tốt hơn trong giai đoạn cuối năm; sự suy yếu của đồng USD sau khi FED cắt giảm lãi suất (mức giảm có thể lớn hơn 25 điểm cơ bản)” – các chuyên gia của KBSV dự báo.

Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia của Fiinratings, áp lực tỷ giá giảm nhưng còn nhiều biến số. Dữ liệu kinh tế của Mỹ củng cố cho khả năng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 9 năm nay. Thị trường đã có các phản ứng tích cực khi áp lực bán tháo giảm trên thị trường chứng khoán.

“Môi trường tỷ giá thuận lợi được kỳ vọng sẽ làm giảm chi phí vốn nước ngoài đối với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tạo ra động lực cho các doanh nghiệp tiếp cận các kênh vay vốn và phát hành trái phiếu quốc tế. Song, đây mới chỉ là xu hướng tạm thời và có thể vẫn có thể xuất hiện các biến động khó lường ảnh hưởng đến tỷ giá trong thời gian tới” – chuyên gia của Fiinratings cho hay.

Theo báo cáo vừa phát hành đầu tuần này của SSI Research, trong tuần trước, các số liệu về kinh tế của Mỹ tiếp tục phân hóa và khiến cho việc đánh giá FED giảm bao nhiêu điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9 thay đổi mạnh. Cụ thể, trong khi chỉ số PMI từ Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) ngành sản xuất tiếp tục ở mức thấp, PMI ngành dịch vụ lại tương đối tích cực và cao hơn so với dự báo.

Đặc biệt, trên thị trường lao động, số liệu về số lượng việc làm mới trong tháng 8 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, trong khi số liệu về việc làm phi nông nghiệp mới không quá khác biệt, và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ. Do vậy, hiện tại, thị trường đang đánh giá cao hơn về việc FED sẽ giảm 25 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9 tới đây./.